Chu Ngọc (tên nhân vật đã được thay đổi) năm nay 27 tuổi, sống tại Thái Châu, Giang Tô, Trung Quốc. Cách đây mấy ngày, vừa thức giấc vào buổi sáng thì cô đã hốt hoảng đến bật khóc vì bỗng nhiên mất hoàn toàn thị lực ở mắt phải.
Theo lời cô kể lại, đêm trước đó không hề có gì bất thường, nhưng hôm sau vừa mở mắt ra thì cô thấy tầm nhìn của mình rất hẹp, mắt phải hơi khó chịu. Chu Ngọc bật dậy khỏi giường để đi soi gương thì bị té ngã bởi không thấy rõ chân bàn gần đó. Cô lấy tay che mắt trái lại thì tất cả mọi thứ trở nên tối đen, liền vội vã gọi điện nhờ người đưa đến bệnh viện.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ cho biết Chu Ngọc bị tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc tại mắt phải, thường được gọi là đột quỵ mắt, dẫn đến mất thị giác đột ngột. Ngoài ra, cô còn bị phù hoàng điểm do các mạch máu ở võng mạc bị tổn thương, cần nhập viện để điều trị ngay.
Cô gái trẻ cho rằng mình sẽ vĩnh viễn bị mù 1 bên mắt, liền khóc lóc rất thảm thương. Bác sĩ và người nhà mất khá nhiều thời gian mới có thể trấn an cô. Sau khi thực hiện thêm các kiểm tra chuyên sâu, bác sĩ bắt đầu đặt câu hỏi về bệnh di truyền, lối sống hàng ngày để tìm ra nguyên nhân và giải pháp điều trị phù hợp nhất.
Hóa ra, giống như rất nhiều người trẻ khác, Chu Ngọc có thói quen không rời tay khỏi điện thoại gần như cả ngày. Đặc biệt, cô rất mê xem phim truyền hình, ngày nào cũng thức đến 2 giờ sáng để “cày phim”.
Cô cho biết, thời gian xem phim của cô trong 2 tháng gần đây lên đến ít nhất 8 tiếng một ngày. Vào ban đêm, cô thường tắt hết đèn điện và nằm xem phim trên giường đến khi buồn ngủ không chịu được nữa mới thôi.
Nghe đến đây, bác sĩ chỉ còn biết vừa nhìn Chu Ngọc vừa lắc đầu. Ông cho biết, không phải là nguyên nhân duy nhất nhưng thói quen xấu này đã góp phần lớn vào việc gây đột quỵ mắt của bệnh nhân.
May mắn là sau vài ngày điều trị tại bệnh viện, thị lực của cô đã bắt đầu được cải thiện, hoàng điểm cũng không còn phù nữa. Nếu hồi phục tốt, Chu Ngọc có thể được xuất viện sau 1 tuần nữa trong tình trạng khỏe mạnh hoàn toàn.
Đột quỵ mắt là bệnh như thế nào?
Trong cơ thể có một hệ thống mạch máu giúp vận chuyển chất dinh dưỡng quan trọng và oxy đến mọi bộ phận. Khi các mạch máu bị thu hẹp, tắc nghẽn do cục máu đông, nguồn cung cấp máu sẽ gặp vấn đề và được gọi là đột quỵ. Điều này gây ảnh hưởng hoặc tổn thương nghiêm trọng đến một số bộ phận cơ thể.
Đột quỵ không chỉ xảy ra ở não bộ mà còn ở mắt do sự tắc nghẽn động mạch võng mạc. Loại đột quỵ này được gọi là đột quỵ mắt. Nói rõ hơn, võng mạc mắt là màng mỏng bao quanh bề mặt bên trong của mắt. Võng mạc có nhiệm vụ gửi tín hiệu ánh sáng đến não để chúng ta hiểu được những gì đôi mắt đang thấy. Khi tĩnh mạch võng mạc tắc nghẽn, chúng làm rò rỉ chất lỏng vào võng mạc. Từ đó ngăn cản oxy lưu thông, làm sưng tấy, cuối cùng ảnh hưởng đến khả năng nhìn.
Có nhiều kiểu đột quỵ khác nhau ở vùng mắt, tùy thuộc vào mạch máu bị tắc nghẽn:
– Tắc tĩnh mạch võng mạc trung tâm (CRVO): Tĩnh mạch chính của võng mạc bị tắc nghẽn.
– Tắc động mạch võng mạc trung tâm (CRAO): Động mạch trung tâm của võng mạc bị tắc nghẽn.
– Tắc tĩnh mạch võng mạc nhánh (BRVO): Các tĩnh mạch nhỏ của võng mạc bị tắc nghẽn.
– Tắc động mạch võng mạc nhánh (BRAO): Các động mạch nhỏ của võng mạc bị tắc nghẽn.
Dấu hiệu đột quỵ vùng mắt
Các triệu chứng của bệnh có thể phát triển chậm trong nhiều giờ, nhiều ngày nhưng đôi khi có thể xảy ra một cách bất ngờ. Manh mối lớn nhất để sớm phát hiện đột quỵ là thị lực thay đổi đột ngột. Người bệnh thường sẽ không cảm thấy đau. Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp một số triệu chứng khác như:
– Mất toàn bộ hoặc một phần thị lực của mắt.
– Phạm vi tầm nhìn hạn chế.
– Nhìn mờ hoặc méo mó, có bóng đen trước mặt.
– Võng mạc mắt phù thũng thiếu máu.
Nếu bạn có các bất thường về mắt, hãy đi khám ngay lập tức, ngay cả khi dường như các dấu hiệu đã khỏi. Bởi nếu không điều trị kịp thời, đột quỵ ở mắt có thể khiến người bệnh mất thị lực vĩnh viễn.
Biến chứng của bệnh
Mặc dù người bệnh có thể hồi phục sau cơn đột quỵ mắt, nhưng có một vài biến chứng nghiêm trọng họ phải đối mặt như:
– Phù hoàng điểm hoặc viêm hoàng điểm: Điểm vàng là phần giữa của võng mạc giúp cho thị lực sắc nét. Sưng điểm vàng có thể làm mờ tầm nhìn của bạn hoặc dẫn đến mất thị lực.
– Tân mạch: Một tình trạng trong đó các mạch máu mới, bất thường phát triển trong võng mạc. Những chất này có thể rò rỉ vào thủy tinh thể và gây ra tình trạng nổi bông. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, võng mạc có thể bị bong ra hoàn toàn.
– Bệnh tăng nhãn áp mạch máu: Sự gia tăng áp lực trong mắt gây đau đớn do sự hình thành các mạch máu mới.
– Mất thị lực, thậm chí mù lòa
Do khả năng xảy ra các biến chứng nghiêm trọng của bệnh, chúng ta cần tái khám thị lực theo khuyến cáo của bác sĩ thường xuyên. Bên cạnh đó cần theo dõi các tình trạng sức khỏe khác có thể ảnh hưởng đến đôi mắt.
Phòng ngừa đột quỵ mắt
Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể ngăn ngừa đột quỵ mắt, nhưng có một số điều bạn có thể làm để giảm khả năng mắc bệnh:
– Theo dõi bệnh tiểu đường và cố gắng giữ cho lượng đường trong máu luôn trong phạm vi cho phép.
– Điều trị bệnh tăng nhãn áp vì bệnh có thể làm tăng áp lực trong mắt.
– Theo dõi huyết áp vì huyết áp cao làm tăng nguy cơ mắc tất cả các loại đột quỵ.
– Kiểm tra cholesterol máu thường xuyên vì nếu nó quá cao, thì áp dụng chế độ ăn uống và tập thể dục có thể giúp giảm xuống.
– Đừng hút thuốc vì hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc tất cả các loại đột quỵ.
– Kiểm tra bệnh tim là một phần quan trọng trong việc ngăn ngừa đột quỵ ở mắt. Một bài báo trên tạp chí Eye nói rằng 64% trường hợp đột quỵ vùng mắt có ít nhất một yếu tố nguy cơ bệnh tim.
– Thay đổi lối sống có thể tạo ra sự khác biệt. Do đó, bạn nên tập thể dục thường xuyên, ăn một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim, bao gồm nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo không bão hòa…
– Không thức khuya quá nhiều và hạn chế sử dụng thiết bị điện tử
PN (Nguoiduatin.vn)