Vào tháng 7/2018, Vương Diễn Linh, 20 tuổi trở về nhà trong kỳ nghỉ hè. Đến đầu tháng 8, không biết tại sao Diễn Linh bị sốt cao liên tục. Đầu tiên, Vương Diễn Linh đi khám ở trung tâm y tế ở thị trấn, sau đó cô lại chuyển đến vài bệnh viện lớn để kiểm tra, dần dần Vương Diễn Linh được chẩn đoán là nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, viêm não do virut.
Cuối cùng, báo cáo thử nghiệm từ một bệnh viện ở Tế Nam cho thấy, kháng thể IgM não là dương tính. Giải thích của bác sĩ về báo cáo này là cô gái 20 tuổi bị "viêm não Nhật Bản" do muỗi truyền. Vương Diễn Linh bắt đầu nhập viện và ở phòng chăm sóc đặc biệt đến nay đã được 11 tháng.
Viêm não Nhật Bản là gì?
Bác sĩ Vương Hội Lượng, giám đốc khoa truyền nhiễm của Bệnh viện liên kết thứ hai của Đại học Y khoa Sơn Đông, đã chỉ ra rằng viêm não Nhật Bản hay còn gọi là viêm não B là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền theo đường máu, do virus viêm não Nhật Bản B gây ra. Bệnh nặng diễn biến nhanh và có tỷ lệ tử vong cao.
Bệnh phát triển phổ biến ở trẻ em, thời gian phát bệnh chủ yếu vào tháng 7, 8, 9. Phương tiện truyền bệnh là muỗi và nguồn lây nhiễm là động vật như lợn, bò,... Thông thường, sau khi lợn hoặc bò bị bệnh, nó bị muỗi đốt. Sau đó muỗi mang virut cắn người, virut được truyền sang người và từ đó dẫn đến người bị bệnh.
Bác sĩ Vương Hội Lượng nói: "Sau khi bị viêm não Nhật Bản, mọi người thường bị sốt cao, nhiệt độ cơ thể lên tới 39-40°C, nhức đầu, tinh thần kém và dễ bị nhầm lẫn với sốt cao do cảm lạnh và say nắng. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng của hệ thần kinh dần trở nên rõ ràng, đặc trưng là cứng cổ và nôn, rối loạn ý thức (buồn ngủ, thờ ơ), co giật, thậm chí gây hôn mê, suy hô hấp, suy giảm hoạt động thể chất, rào cản ngôn ngữ,…”.
Di chứng nặng nề của viêm não Nhật Bản
Virus viêm não Nhật Bản tấn công tới hệ thần kinh trung ương gây sung huyết, phù nề và xuất huyết vi thể ở não. Nó có thể huỷ hoại tế bào thần kinh, thoái hoá tổ chức não, viêm tắc mạch; chủ yếu xảy ra ở vùng chất xám, não giữa và thân não dẫn đến hội chứng não cấp.
Sau 2-3 ngày tới 1 tuần chưa phát hiện ra bệnh, người bị bệnh có thể bị rối loạn ý thức, sốt cao, nôn mửa, cứng gáy, mê sảng, ảo giác, co giật, động kinh, rối loạn nhịp thở, hôn mê, diễn tiến bệnh sẽ ngày càng nặng và có thể dẫn đến tử vong. Theo thống kê có khoảng 30% bệnh nhân viêm não Nhật Bản nhập viện bị tử vong. Trong những người sống sót thì 30-45% bị các di chứng thần kinh và tâm thần nặng nề.
Phòng ngừa viêm não Nhật Bản
1. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.
2. Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.
3. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín.
4. Thực hiện tốt việc cách ly cũng như hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
5. Bệnh VNNB đã có vắc xin phòng bệnh, thực hiện tiêm vắc xin VNNB đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm 1 mũi vắc xin thì không có hiệu lực bảo vệ, nếu tiêm đủ 2 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt 90 - 95% trong khoảng 3 năm, do đó trẻ em cần tiêm chủng với 3 liều cơ bản sau:
- Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi;
- Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần;
- Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm.
Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Theo Hà Vũ (Khampha.vn)