Ngày 17/1, bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, nơi đây vừa cứu sống một trường hợp bệnh nhi mắc hội chứng hiếm gặp và chịu đựng bệnh suốt 14 năm trời.
14 năm không dám chơi thể thao
Từ nhỏ, bé D.H.T (14 tuổi, ngụ tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) đã mắc căn bệnh máu khó đông Hemophilia. Chỉ một xây xát nhẹ là tay chân em bầm chảy máu và sưng vù lên.
Mỗi lần máu chảy không cầm được, cha mẹ em vội vàng khăn gói đưa con đến viện, tốn rất nhiều tiền truyền máu.
Đến tuổi đi học, căn bệnh khiến gương mặt T. hốc hác xanh xao, tay chân gồ ghề và liên tục vào viện. Em cũng ngại chơi các trò chơi và những môn thể thao dễ va chạm nên thời gian rảnh T. chỉ về nhà với cha mẹ và dạy em trai học bài.
Nhiều năm nay, cha mẹ T. phải tốn hàng trăm triệu đồng để lo viện phí, tiền truyền thuốc giảm đau cho con, nhất là khi bé biến chứng xuất huyết não, nhiễm trùng và nằm viện kéo dài...
Gần đây, bệnh nhi bị xuất huyết nặng, phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Bệnh nhi nhập viện tại BV địa phương nhưng chuyển ngay lên tuyến trên với chẩn đoán sốc mất máu, theo dõi xuất huyết nộ và hội chứng máu khó đông.
Tại đây kết quả siêu âm và chụp CT khẩn đánh giá bé bị xuất huyết nặng cơ thắt lưng, máu chảy tràn đầy khoang sau phúc mạc không cầm được.
Khó khăn hơn khi bệnh nhi không mổ can thiệp được vì tình trạng rối loạn đông máu nặng sẽ khiến cuộc mổ nguy hiểm. Tình trạng này gây khó khăn trong cấp cứu sốc mất máu, nhiễm trùng phổi nặng.
Trước việc T. bị tràn dịch màng phổi, suy hô hấp nhanh chóng, các bác sĩ quyết định đặt ống thở máy, chống sốc và truyền liên tục hồng cầu lắng, kết tủa lạnh và các chế phẩm máu, thuốc đặc trị. Ước tính khoảng gần 6 lít máu đã được truyền liên tục để giữ mạng sống cho em.
Sau nửa tháng hồi sức tích cực, bồi hoàn máu và điều chỉnh rối loạn đông máu và điều trị viêm phổi với viện phí khổng lồ, bệnh nhân dần cải thiện.
Từ chỗ nằm li bì, da xanh xao đầy vết bầm, tứ chi gắn truyền liên tục chế phẩm máu thì đến nay, tình trạng chảy máu, viêm phổi của bé đã cải thiện. Hiện bệnh nhi được cai máy thở và chuyển sang khoa Ung bướu huyết học để theo dõi thêm.
Căn bệnh "tự chảy máu"
Bác sĩ Nguyễn Đạt Thịnh, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV Nhi đồng Thành phố cho biết, hầu hết bệnh nhân Hemophilia là nam giới.
Tỷ lệ mắc bệnh khi sinh là 1/10.000 trẻ trai mới sinh.
Người bệnh Hemophilia càng nặng thì biểu hiện càng sớm. Triệu chứng thường xuất hiện khi trẻ bắt đầu tập đứng và dò dẫm tập đi. Sau những lần ngã trẻ thường có xuất huyết dưới da hoặc chảy máu môi, lưỡi.
Bệnh cũng có biểu hiện đa dạng như chảy máu bất thường, tự nhiên hoặc sau phẫu thuật.
Điều này có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, nhưng cơ và khớp thường hay bị chảy máu hơn. Vì thế nhiều người bệnh nhầm tưởng là bệnh của cơ, khớp.
Đặc biệt, trẻ mắc bệnh máu khó đông có thể chảy máu không cầm được chỉ với vết thương rất nhỏ, thậm chí là vết muỗi cắn.
Các bác sĩ cho biết, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ có kết quả tốt đối với sức khỏe người bệnh, góp phần hạn chế tối đa những biến chứng không đáng có và giảm được chi phí tốn kém do điều trị khi biến chứng muộn xảy ra.
Theo Hoàng Lê (Tổ Quốc)