Không ngờ bệnh đến khi vẫn đang khoẻ mạnh
Anh L.T.Tr (30 tuổi, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đến Bệnh viện nội tiết Trung ương khám trong tâm trạng vô cũng lo lắng do mắc phải căn bệnh tiểu đường type 2.
Trong một lần đưa mẹ đi khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, anh Tr đã đăng ký khám sức khỏe. Khi bác sĩ thông báo anh bị mắc bệnh tiểu đường anh vẫn rất bàng quang. Được bác sĩ giải thích về tình trạng nguy hiểm của căn bệnh anh mới lo lắng.
Anh Tr đã tới Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám và kết quả mắc tiểu đường type 2. Qua điều tra bệnh sử bác sĩ phát hiện anh Tr là thường ăn các sản phẩm bơ sữa, bánh mì vào bữa sáng, bữa ăn trưa và tối anh ăn 3-4 bát cơm. Sau nhiều năm duy trì cách ăn và lối sống ít vận động anh to béo nặng tới 80kg.
Trường hợp của chị V.T.H (34 tuổi) gặp biến chứng loét chân do mắc tiểu đường. Cách đây, 2 năm chị H mang thai cháu thứ hai các sĩ cảnh báo chị bị tiểu đường. Tuy nhiên, chị H chỉ nghĩ bị tiểu đường thai kỳ sinh xong sẽ hết.
Sau khi, sinh con xong về nhà chị H vẫn ăn uống nhiều tinh bột, giàu chất đạm, chất béo... Đến đầu năm 2018, chị H gặp tai nạn ngã xe có vết thương hở, chị H đã điều trị một thời gian dài không khỏi. Chị tới bệnh viện khám bác sĩ chẩn đoán bị biến chứng bàn chân do mắc bệnh đái tháo đường.
Ăn nhiều ít vận động dễ mắc bệnh
PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, đái tháo đường trước kia gặp nhiều ở người trung niên và cao tuổi. Thời gian gần đây đối tượng mắc bệnh nhiều ở người trẻ có liên quan tới béo phì và rối loạn chuyển hóa.
Bệnh diễn biến rất âm ỉ không có triệu chứng điển hình vì vậy người bệnh thường bỏ qua. Sau khoảng 10 năm bệnh có biến chứng người bệnh tới bệnh viện khám thì đã muộn.
Theo GS. Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội nội tiết đái tháo đường Việt Nam nguyên nhân bệnh đái tháo đường tăng và trẻ hóa là do hậu quả của béo phì, ít vận động (ngồi xe máy, ô tô không đi bộ). Chế độ ăn quá nhiều chất bột đường (gạo, bột mì…).
Đặc biệt, hiện nay người Việt đang lạm dụng thức ăn nhanh quá nhiều. Trong thức ăn nhanh có nhiều chất béo, carbohydrate gây ra tình trạng béo phì. Khi béo phì sẽ gây ra tình trạng kháng insulin.
Bệnh tiểu đường không chỉ liên quan tới chế độ ăn mà lối sống ít vận động có liên quan trực tiếp tới căn bệnh này. Ít vận động khiến cho các cơ quan trong cơ thể không được hoạt động tốt và đúng chức năng.
"Không vận động thể lực, ăn vào nhiều khiến cho tác dụng của insulin hoạt động kém đi . Insulin sẽ không đưa vào được tế bào và gây ra tình trạng dư thừa đường", GS. Quang nói.
Phòng đái tháo đường type 2 cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ăn ít chất béo, bột đường, không uống chất có cồn và có ga nhiều. Cần phải tăng cường hoạt động thể chất để các cơ quan trong cơ thể có hoạt động tốt.
Người đang khỏe mạnh cũng cần phải đề phòng với căn bệnh này bằng cách đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.
Đối với bệnh nhân đã bị mắc đái tháo đường thì cần phải tuân thủ theo điều trị của bác sĩ. Tiểu đường là bệnh mãn tính vì vậy cần phải điều trị suốt đời để phòng và ngăn ngừa biến chứng xảy ra.
Theo Ngọc Minh (Soha/Trí Thức Trẻ)