Tham vọng vượt qua Đặng Tiểu Bình, xây kỷ nguyên mới của ông Tập bị Mỹ 'ngáng đường'

08/11/2018 09:05:03

Kế hoạch để vượt qua Đặng Tiểu Bình là làm cho Trung Quốc trở thành quốc gia ngang hàng với cường quốc số 1 thế giới là Mỹ. Nhưng kế hoạch này không dễ dàng.

Tham vọng vượt qua Đặng Tiểu Bình, xây kỷ nguyên mới của ông Tập bị Mỹ 'ngáng đường'
Ông Tập Cận Bình tại Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc năm ngoái. Ảnh: The Indian Express.

Một chuyến thăm, nhiều ý nghĩa

Lần đầu tiên trong nhiều năm, những lá cờ mang 2 màu trắng, đỏ của Nhật Bản phủ rợp Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Thủ tướng Shinzo Abe đã đến thủ đô Bắc Kinh cùng hàng trăm doanh nhân Nhật Bản, mong muốn ký các thỏa thuận sau nhiều năm ngưng trệ.

Sự kiện nổi bật trong chuyến đi của Thủ tướng Shinzo Abe, bắt đầu từ ngày 25/10, là một buổi lễ kỷ niệm 40 năm Hiệp ước hòa bình và hữu nghị Trung-Nhật năm 1978 tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh.

Năm nay đánh dấu không chỉ 4 thập niên kể từ khi Trung Quốc và Nhật Bản cam kết không xâm phạm lẫn nhau, mà còn là kỷ niệm 40 năm cải cách và mở cửa, chính sách kinh tế đột phá do nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình khởi xướng, đưa hàng triệu người thoát nghèo.

Trên thực tế, chính sách "cải cách và mở cửa" liên quan chặt chẽ đến hiệp ước hòa bình với Nhật Bản và viện trợ phát triển mà Tokyo đã bắt đầu cung cấp cho Trung Quốc vào năm 1979.

Hai tháng trước khi khởi động chính sách kinh tế mới của mình, vào cuối năm 1978, Đặng Tiểu Bình đã đến thăm Nhật Bản để hoàn tất Hiệp ước hòa bình và hữu nghị.

Đặng đã đi tàu cao tốc Shinkansen nổi tiếng của Nhật Bản, ngạc nhiên trước sự tiện nghi và tốc độ của nó.

Trung Quốc đã bế quan tỏa cảng với thế giới bên ngoài trong và sau cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976). Để bước vào thời đại mới, Đặng chọn Nhật Bản làm cửa ngõ mở ra cho Trung Quốc tiếp cận thế giới phương Tây rộng lớn hơn. Trung Quốc đã đề nghị được vay vốn của Nhật Bản để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế còn yếu kém.

Khó khăn trùng điệp

40 năm sau, chuyến thăm của Thủ tướng Abe mang một ý nghĩa quan trọng đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Viện trợ phát triển từ Nhật Bản sang Trung Quốc đã chấm dứt, nền kinh tế của Trung Quốc thậm chí còn vượt qua Nhật Bản, là biểu tượng cho sự kết thúc của một kỷ nguyên: thời đại Đặng Tiểu Bình. Điều này rất có ý nghĩa với ông Tập, người đang cố gắng mở ra một kỷ nguyên mới mang dấu ấn của riêng mình.

Nhưng tình cảnh mà ông Tập đang phải đối mặt, đặc biệt là cuộc chiến thương mại khó khăn với Mỹ, đã làm giảm đáng kể thời gian của ông để thực hiện các chính sách đối ngoại. 

Đó có lẽ là lý do hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nhật – Trung không mang lại những đột phá đáng kể.

Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc sau Đặng Tiểu Bình là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều đã nghỉ hưu. 

Như vậy, với tư cách là nhà lãnh đạo đầu tiên sau thời đại Đặng Tiểu Bình, ông Tập Cận Bình mong muốn xây dựng một kỷ nguyên của riêng mình.

Tại Đại hội toàn quốc đảng Cộng sản Trung Quốc mùa thu năm ngoái, ông Tập tuyên bố Trung Quốc bước vào một kỷ nguyên mới, được dẫn dắt bởi tư tưởng Tập Cận Bình, hay chính xác hơn là "tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới".

Và kế hoạch để vượt qua Đặng Tiểu Bình là làm cho Trung Quốc trở thành một quốc gia ngang hàng với cường quốc số 1 thế giới là Mỹ.

Nhưng kế hoạch đó không dễ dàng thực hiện trong những tháng gần đây. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "khai hỏa" cuộc chiến thuế quan để trừng phạt các hoạt động thương mại mà ông cho là không công bằng của Trung Quốc.

Bắc Kinh đang sa lầy trong một cuộc chiến thương mại với Washington. Đây thực tế là cuộc chiến vì quyền bá chủ trong tương lai. Điều này dẫn đến những lời phê bình đã nổi lên trong những động thái để xây dựng một sự sùng bái nhân cách xung quanh nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Trong thời điểm này, Thủ tướng Abe đến thăm Bắc Kinh. Với ông Tập Cận Bình, ổn định quan hệ với Nhật Bản - nền kinh tế số ba thế giới - là rất quan trọng, trong bối cảnh căng thẳng với Washington.

Nhưng không có đột phá lớn nào đã đạt được, không có lưu ý về mặt an ninh, hạn ngạch nhập khẩu của Trung Quốc đối với các sản phẩm thực phẩm từ Nhật Bản, được áp dụng sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011, dự kiến ​​sẽ được dỡ bỏ, nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra.

Điều này cho thấy, sức ép trong nước thực sự lớn và buộc ông Tập Cận Bình phải thận trọng.

Hồi tháng 9/2012, người dân Trung QUốc đã biểu tình phản đối Nhật Bản để thể hiện sự phản đối với Tokyo liên quan đến chủ quyền đảo Điếu Ngư/Senkaku ở biển Hoa Đông, mà hai nước tranh chấp.

40 năm sau khi Trung Quốc thực thi chính sách "cải cách và mở cửa", chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nhật đã phản ánh khó khăn trong và ngoài nước mà Bắc Kinh đang đối mặt.

Theo Minh Khôi (Soha/Thời Đại)

Nổi bật