Mới đây, các bác sĩ BV Đa khoa huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã tán sỏi nội soi và tạo hình niệu đạo thành công cho một nữ bệnh nhân 51 tuổi, tên Nguyễn Thị Tâm (ở Dị Nậu, Thạch Thất). Bác sĩ Nguyễn Đức Thảo - Trưởng khoa Ngoại chia sẻ, trước khi nhập viện, bệnh nhân vô cùng lo lắng vì ngoài vấn đề không đi tiểu được, bà còn ngượng ngùng vì có bất thường ở bộ phận sinh dục. “Đến nay, bệnh nhân đã ổn định, tâm tý rất thoải mái vì đi tiểu dễ dàng, không còn đau buốt”, bác sĩ Thảo cho hay.
Trao đổi với PV, bà Tâm cho biết, suốt nhiều năm, phải sống khổ sở, thậm chí nhu cầu tối thiểu là đi tiểu tiện cũng không được thoải mái. “Hôm nay sau 3 ngày phẫu thuật, tôi đi tiểu được và chưa bao giờ cảm thấy thoải mái như vậy”, bà nói.
Người phụ nữ này cho biết, hơn 50 năm qua, bà chưa một ngày nào được sống dễ chịu, thậm chí còn chẳng dám mơ ước những điều đơn giản như một tổ ấm với "nửa kia" yêu thương, sẻ chia vui buồn. Đôi khi nhìn những người phụ nữ khác được hạnh phúc bà cũng có chút ghen tị và chạnh lòng.
Năm 20 tuổi, bà Tâm mới có kinh nguyệt lần đầu. Thế hệ của bà, con gái dậy thì muộn là chuyện rất bình thường. Nhưng ngay trong lần đầu có kinh, bà sợ “xanh mặt”. “Tôi vẫn nhớ, hôm đó máu ra nhiều lắm, mình còn chẳng kịp phản ứng gì. Máu ra thành từng cục”, bà nói.
Lúc đó bà nghĩ "chắc lần đầu ai cũng vậy" nhưng những lần sau còn kinh khủng hơn. Kể từ đó đến khi mãn kinh, bà Tâm phải chịu đựng sự hành hạ mỗi khi đến tháng trong suốt 50 năm trời.
“Với những chị em khác, khi đến tháng họ dùng chiếc băng vệ sinh nhỏ là xong. Còn tôi, những ngày này tôi phải đóng bỉm mà vẫn tràn ra ngoài”, bà Tâm chia sẻ. Chính vì rong kinh, mất máu nhiều khiến cơ thể bà Tâm yếu ớt. Tự nhận thấy mình “khác người” nên bà cũng chẳng dám nghĩ đến chuyện lập gia đình.
“Tính tất cả có 5 người đàn ông đến đặt vấn đề cưới tôi về làm vợ. Thực lòng tôi cũng muốn có hạnh phúc riêng, muốn có đứa con của mình, thế nhưng nghĩ đến bất thường mỗi khi đến kỳ kinh tôi lại sợ. Tôi lo khi lấy chồng về làm khổ họ và gia đình họ. Đó là lý do tôi ở vậy đến giờ”, bà tâm sự.
Hiện bà Tâm đang sống cùng nhà với người em trai, nhưng kinh tế và ăn uống độc lập. Hàng ngày, bà nhận trông trẻ cho những người thân, hàng xóm để họ đi làm. Việc làm này vừa giúp bà có thêm thu nhập, vừa để bà được gần gũi trẻ vì giấc mơ làm mẹ không bao giờ thực hiện được.
50 năm bất thường kinh nguyệt, nhưng bà Tâm cũng chẳng để ý nhiều đến “cô bé” của mình. Bà nghĩ rằng “chỗ ấy” vẫn đi tiểu được là ổn, dù mỗi lần giải quyết nhu cầu ấy cũng chẳng dễ dàng gì. Đến tháng 7/2022, việc đi tiểu của bà ngày càng khó khăn hơn, bà cảm giác như có gì chặn lại ở phía trong, khiến dòng nước không thể thoát ra ngoài. Mỗi lần đi tiểu phải mất rất nhiều thời gian.
Gần đây, cơn đau ngày càng nhiều, có lúc nước tiểu không thoát ra được khiến bụng bà căng tròn. Thấy vậy bà mới đến viện thăm khám. Tại đây, không chỉ có bản thân bệnh nhân mà ngay các bác sĩ cũng bất ngờ khi âm đạo và niệu đạo của bà bị bịt kín, lỗ niệu đạo chỉ còn 3mm - đây chính là lý do bà không đi tiểu được.
“Đến tuổi này tôi chẳng có nhu cầu sinh lý, cũng chẳng nghĩ đến chuyện chồng con nữa, vì thế mong muốn lớn nhất của tôi là có thể đi tiểu bình thường. Cuối cùng các bác sĩ đã giúp tôi thực hiện mong muốn ấy”, bà Tâm nói. Người phụ nữ này còn chia sẻ thêm: “Các bác sĩ nói tôi vẫn còn trinh. Thực ra, còn là đúng thôi vì tôi đã làm gì đến “nó” đâu. Có lẽ sẽ còn nguyên cho đến cuối đời”.
Bác sĩ Nguyễn Đức Thảo cho biết, hiện nay thông tin y tế sức khỏe được cập nhật liên tục, mọi người cần trang bị kiến thức cho mình, khi thấy bất thường hãy đi khám sớm để được tư vấn và xử lý kịp thời. “Với bệnh nhân trên, việc tán sỏi không khó khăn, nhưng do người bệnh chủ quan, tâm lý e dè về bất thường vùng kín, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống”, bác sĩ Thảo cho hay.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Theo Lê Phương (Phụ Nữ & Pháp Luật)