Chưa đầy 1 năm, một gia đình ở Hà Nội mất 3 đứa con nhỏ vì nhiễm khuẩn

18/11/2019 15:02:24

Hai anh em ruột (5 tuổi và 1,5 tuổi) ở Sóc Sơn, Hà Nội đã tử vong vì nhiễm khuẩn Whitmore. Vài tháng trước, chị gái của các em (7 tuổi) cũng mất vì nhiễm khuẩn.

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương sáng 18/11 xác nhận, đơn vị này vừa tiếp nhận 2 anh em trong một gia đình bị nhiễm vi khuẩn Whitmore và tử vong.

Hai bé là Trần Công V (2014) và Trần Quang H (2018), ở thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Bé V có tiền sử khoẻ mạnh, nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương ngày 28/10. 3 ngày sau bé tử vong chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn huyết. Gia đình cho biết trước khi vào viện 1 ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt 38,5 độ C kèm theo đau bụng. Chưa cho con điều trị, gia đình quyết định đưa con vào viện.

Chưa đầy 1 năm, một gia đình ở Hà Nội mất 3 đứa con nhỏ vì nhiễm khuẩn
Hai anh em trong một gia đình ở Hà Nội đã tử vong vì Whitmore. Ảnh minh hoạ

10 ngày sau cái chết của bé V, em trai của bé V là H (1,5 tuổi) cũng có dấu hiệu sốt. Gia đình đưa bé đến các cơ sở y tế tại Sóc Sơn sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Dù được cấp cứu, chữa trị nhưng ngày 16/11, bé đã tử vong.

Với cả hai bệnh nhân xấu số, bệnh viện đã lấy máu xét nghiệm ngày 30/10 (với bé V) và đến ngày 1/11 thì có kết quả nuôi cấy dương tính với loai vi sinh vật Burkholderiapseudomallei (còn có tên gọi là Whitmore). Kết quả tương tự với tình trạng của bé H.

Vài tháng trước, chị gái (7 tuổi) của 2 em bé xấu số này cũng đã tử vong, nhưng vì bệnh nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột.

Chưa đầy 1 năm, một gia đình ở Hà Nội mất 3 đứa con nhỏ vì nhiễm khuẩn - 1
Khuẩn Whitmore tấn công "ăn lẹm" mũi của một nữ bệnh nhân

Hiện các cơ quan chức năng, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP Hà Nội đang phối hợp điều tra dịch tễ tại Sóc Sơn.

Liên tiếp trong thời gian gần đây, tại nhiều cơ sở y tế (từ huyện đến Trung ương) phát hiện nhiều bệnh nhân mắc vi khuẩn Whitmore. Một số người đã được cứu sống, tuy nhiên, không ít người đã tử vong vì căn bệnh này.

PGS.TS Đỗ Duy Cường (Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định "Whitmore không phải là vi khuẩn "ăn thịt người" như cách nhiều người vẫn gọi và nghĩ.

Ông Cường khẳng định bệnh không gây thành dịch và không lây trực tiếp từ người sang người. Tuy là một bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao nhưng nay đã có kháng sinh đặc hiệu điều trị nên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Vì thế người dân không nên quá hoang mang.

Theo TS Cường, bệnh Whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, những người có cơ địa mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, nghiện rượu, xơ gan, bệnh thận, bệnh phổi mạn tính dễ có nguy cơ mắc bệnh.

Ở trẻ em thường có biểu hiện là áp xe tuyến mang tai (dễ nhầm với quai bị), sốt kéo dài, chỉ một số ít có biểu hiện viêm màng não, viêm phổi, áp xe gan, tổn thương thần kinh...

Nhưng ở người lớn bệnh cảnh lâm sàng khá phức tạp thường bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như nhiễm trùng huyết tụ cầu, lao phổi, áp xe cơ, bệnh hệ thống,.. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhiều trường hợp dẫn đến sốc nhiễm trùng và tử vong.

Điều quan trọng là ngay cả khi được khẳng định chẩn đoán bệnh Whitmore, việc điều trị cũng không hề đơn giản. Nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe bệnh nhân suy kiệt dần và vẫn có thể tử vong dù đã được chẩn đoán đúng.

Việc theo dõi điều trị bệnh kéo dài, lại tốn kém nên không ít bệnh nhân đã bỏ cuộc. Đây cũng là một trong là những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong điều trị và tỷ lệ tử vong do Whitmore còn cao, lên tới 40%.

Theo Võ Thu (Giadinh.net.vn)

Nổi bật