Nếu có những triệu chứng này, hãy đến bệnh viện gấp

14/11/2019 11:30:54

Theo thống kê đến nay đã có 50 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sốt xuất huyết. Các chuyên gia cho rằng, thời điểm này đang là cao điểm dịch sốt xuất huyết, thời gian tới dự báo có diễn biến phức tạp. Nếu có những triệu chứng dưới đây, bạn cần tới bệnh viện gấp.

Chủ quan dễ tử vong vì sốt xuất huyết

Theo thống kê từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay ghi nhận 250.000 ca mắc sốt xuất huyết với 50 trường hợp tử vong. Con số này tăng gấp 3 lần so với cùng kì năm 2018. Miền Nam hiện đứng đầu cả nước với số ca mắc gần 159.000 trường hợp, miền Trung hơn 61.000 trường hợp, Tây Nguyên hơn 38.900 trường hợp, miền Bắc hơn 18.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Các chuyên gia nhận định, thời điểm này thời tiết chuyển mùa, mưa nhiều thuận lợi cho muỗi phát triển. Dịch sốt xuất huyết đang ở trong cao điểm mùa dịch nên số ca mắc tăng cao. Số ca mắc mới còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới do đặc điểm dịch tễ hàng năm mùa dịch cao điểm từ tháng 9 đến tháng 11.

Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết, sốt xuất huyết Dengue - sốt xuất huyết là bệnh lây nhiễm cấp do virus Dengue gây thành dịch. Virus được truyền từ người bệnh sang người lành thông qua muỗi Aedes aegypti là chính. Trẻ em từ 1-15 tuổi đều có thể bị bệnh, nhiều nhất là lứa tuổi từ 3- 9 tuổi. Người lớn cũng mắc do chủ quan. Theo Đông y, sốt xuất huyết là Bệnh chẩn (nhiệt độc chẩn) thuộc phạm vi Ôn bệnh của y học cổ truyền. Thời gian ủ bệnh thường 3 - 10 ngày.

Nếu có những triệu chứng này, hãy đến bệnh viện gấp
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa. Ảnh: Thiện Tâm

 

Nếu không phát hiện, điều trị kịp thời, người bệnh mắc sốt xuất huyết có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như trụy tim mạch, nguy cơ tử vong cao. Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng khuyến cáo, mọi người cần thận trọng những biểu hiện sau để đến viện sớm, tránh những biến chứng không đáng có".

Sốt cao đột ngột, liên tục từ 3 - 7 ngày, kèm theo mệt mỏi toàn thân, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy, đầy bụng, ói mửa, co giật (thường ở trẻ em), đau đầu, mắt đỏ xung huyết.

Đau mình mẩy, cơ khớp, đau nhiều ở cơ lưng.

Các triệu chứng xuất huyết: Chấm hoặc mảng xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nặng có thể xuất huyết tiêu hóa, tiết niệu, não, có bệnh nhân biểu hiện gan to, nổi hạch cổ.

Trường hợp nặng biểu hiện sốc (thường biểu hiện vào ngày 3 đến ngày 6): Hạ nhiệt độ, da tái. bệnh nhân vật vã, huyết áp hạ, huyết áp kẹt, chân tay lạnh… Tỷ lệ tử vong do sốc có thể lên tới 40%.

Những điều cần làm để phòng bệnh

Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng cho biết, bệnh nhân phải được điều trị tại bệnh viện và được chăm sóc ăn uống và theo dõi bệnh cẩn thận. Chế độ ăn lỏng hoặc bán lỏng tùy thuộc vào tình hình bệnh, nhưng phải đủ chất dinh dưỡng, sinh tố và đủ lượng nước (dùng nước hoa quả kết hợp với Oresol). Chế độ theo dõi bệnh phải chặt chẽ: Kiểm tra mạch, đo huyết áp, nhiệt độ 1-2 giờ/lần, dung tích hồng cầu, số lượng tiểu cầu 3 - 4 giờ/lần theo chỉ định của thày thuốc.

Việc điều trị sốt xuất huyết kết hợp Đông và Tây y rất tốt. Chỉ định dùng thuốc Đông y đối với bệnh ở Độ 1 và Độ 2 (Độ 1 - sốt cao, có các triệu chứng chung, nhưng chưa có triệu chứng xuất huyết; Độ 2 ngoài các triệu chứng ở Độ 1, có thêm triệu chứng xuất huyết). Sốt xuất huyết có sốc phải kết hợp chặt chẽ với Tây y. Trong thời kì hồi phục nên uống thuốc Đông y để bệnh nhân hồi phục được tốt hơn.

Một số bài thuốc trị bệnh sốt xuất huyết bằng Đông y tốt:

Bài 1: Giun đất 20g. Sắc lấy nước uống, lúc sốt cao.

Bài 2: Cỏ nhọ nồi tươi 200g. Giã nát, vắt lấy nước, hòa nước chín uống, có tác dụng cầm máu.

Bài 3: Râu ngô 100g, rễ sậy tươi 100g, rễ cỏ tranh tươi 100g. Sắc uống khi tiểu tiện ít.

Bài 4: Nước mía lau nướng, uống trong suốt thời gian bệnh.

Bài 5: Lá tre 20g, cỏ nhọ nồi 20g, rễ cỏ tranh 16g, trắc bá diệp 16g, rau má 16g, gừng tươi 6g. Sắc với 500ml, còn 300ml chia 03 lần uống trong ngày.

Bài 6: Kim ngân hoa 20g, cỏ nhọ nồi 20g, hoa hòe 16g, quả dành dành 12g, xuyên khung 12g. Sắc với 500ml, còn 300ml chia 03 lần uống trong ngày.

Bài 7: Cỏ nhọ nồi 20g (hoặc trắc bách diệp 10g), hoa hòe 16g, vỏ núc nắc 10g, sài đất 30g. Sắc 03 lần, cô đặc, chia uống(tùy thuộc vào tuổi tác bệnh nhân).

Theo TS.BS Bùi Trí Cường (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), sốt xuất huyết do muỗi truyền và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vaccine phòng bệnh. Bệnh tiến triển thường không lường trước được nên phòng bệnh là điều rất quan trọng.

Phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát được hoạt động của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết như nằm màn tránh muỗi; diệt bọ gậy muỗi, loăng quăng muỗi và muỗi trưởng thành bằng tất cả các biện pháp hiệu quả, khả thi. Mọi người chú ý thường xuyên vệ sinh cảnh quan, môi trường sống để loại bỏ các ổ chứa nước đọng là điểm sinh sản của muỗi ở trong nhà và ngoài nhà.

Ngoài ra, cần cảnh giác với các bệnh sốt của trẻ để tránh nhầm lẫn sốt thông thường. Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Trong 3-4 ngày đầu, bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú tại nhà, ăn lỏng dễ tiêu, uống nhiều nước (nước oresol hoặc sữa, nước hoa quả…); uống thuốc hạ sốt khi sốt cao > 38,5℃. Bên cạnh đó, cần tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ và nếu có các dấu hiệu cảnh báo hoặc theo tiên lượng của bác sĩ cần nhập viện điều trị để đề phòng biến chứng không đáng có. Người bệnh được xuất viện khi hết sốt trong vòng 2 ngày, tỉnh táo, mạch, huyết áp bình thường; số lượng tiểu cầu máu > 50G/L.

Theo Phương Thuận (Giadinh.net.vn)

Nổi bật