Mắc suy giãn tĩnh mạch khi chủ quan với tê chân
Thấy chân xuất hiện triệu chứng tê chân, chuột rút vào ban đêm, đau nhức không ngồi ghế thấp được và rất khó khăn cho việc đi lại nên bệnh nhân Nguyễn Thị T. (85 tuổi, Hà Nội) đã vào viện khám. Khi đi vào viện, bệnh nhân không ngờ được chẩn đoán bị suy giãn tĩnh mạch. Điều trị nội khoa một đợt không cải thiện, bệnh nhân đã được can thiệp nội tĩnh mạch bằng sóng cao tần để loại bỏ tĩnh mạch bệnh lý.
BSCKI. Nguyễn Quang Minh - Chuyên khoa Tim mạch, trưởng Khoa Khám bệnh, BVĐK MEDLATEC cho biết, trường hợp như bệnh nhân T là một ca có các yếu tố giải phẫu khó do tuổi cao cùng nhiều bệnh lý đi kèm. Để xử lý cho bệnh nhân đã áp dụng phương pháp RFA giúp bệnh nhân có thể đi lại được luôn sau khi phẫu thuật. Đồng thời, bệnh nhân được đi tất áp lực sau can thiệp, theo dõi tại phòng bệnh và ra viện trong ngày.
Theo bác sĩ, suy giãn tĩnh mạch chân ở nước ta có tỉ lệ mắc rất cao, chiếm khoảng 17- 40% người lớn. Khi bị suy giãn tĩnh mạch, máu sẽ trào ngược xuống chân gây ứ trệ tuần hoàn, dẫn đến hiện tượng đau, tê bì, nhức mỏi, phù chân, loét chân, chuột rút,... Khi những triệu chứng này nặng nề hơn sẽ là nguyên nhân dẫn tới các biến chứng khó chữa như loét chân không lành, giãn lớn các tĩnh mạch nông và trên bề mặt da nổi ngoằn ngoèo gây mất thẩm mỹ.
Nếu không can thiệp, các tĩnh mạch sẽ giãn to dần hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch rất nguy hiểm gây tắc mạch máu. Nguy hiểm hơn, người bệnh có thể bị tắc động mạch phổi, dẫn đến suy hô hấp và tử vong.
Ai dễ mắc suy giãn tĩnh mạch?
BS Minh cho biết, những người có yếu tố nguy cơ cao và dễ mắc suy giãn tĩnh mạch như nghề nghiệp phải đứng lâu hoặc ngồi lâu, thừa cân béo phì, làm việc trong môi trường nóng ẩm… càng phải thận trọng hơn. Phụ nữ là đối tượng dễ mắc bệnh cao gấp 3 lần nam giới và tỉ lệ bệnh tăng theo độ tuổi.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, dễ gây biến chứng nguy hiểm nên phải phát hiện, điều trị sớm, giúp phục hồi nhanh chóng và sớm trở về sinh hoạt hàng ngày. Đối với mỗi trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp can thiệp phù hợp.
Điều đáng nói là rất nhiều trường hợp chủ quan với những biểu hiện ban đầu mà không đi kiểm tra sớm. Những biểu hiện ban đầu như chân hay có cảm giác nóng rát, tê và nặng chân, đặc biệt là phần bắp chân. Một số người còn gặp tình trạng tê chân, chuột rút chân, hiện tượng này thường xảy ra vào buổi tối đi ngủ khiến người bệnh rất khó chịu. Những triệu chứng này càng ngày càng rõ rệt, người bệnh thường xuyên bị sưng đau chân, nhất là vùng mắt cá chân. Khi vận động mạnh, đứng quá lâu, các dấu hiệu này càng rõ rệt hơn.
Các chuyên gia cho rằng, việc điều trị giãn tĩnh mạch chân sẽ sử dụng chích xơ cho trường hợp giãn tĩnh mạch nhỏ và khu trú. Phẫu thuật cắt bỏ các tĩnh mạch giãn, lột tĩnh mạch, sửa van, tạo hình tĩnh mạch. Can thiệp nội mạch bằng sóng cao tần là phương pháp ưu việt hơn hẳn so với các phương pháp cũ với hàng loạt điểm cộng như ít đau, mau phục hồi và đảm bảo thẩm mỹ cao.
Hiện nay phương pháp điều trị bằng kỹ thuật đốt sóng cao tần (RFA) hiện được xem là phương pháp hiệu quả giúp nhanh chóng hồi phục sức khỏe cho bệnh nhân.
Đốt sóng cao tần (RFA) là phương pháp hủy mô bằng nhiệt gây ra do sự ma sát của các ion trong mô dưới tác động của dòng điện xoay chiều có tần số cao, nằm trong khoảng sóng âm thanh. Phương pháp này có ưu điểm vượt trội trong điều trị giãn tĩnh mạch như: Tỷ lệ thành công rất cao (trên 90%), ít biến chứng; Thời gian thực hiện nhanh 1-2 giờ mà không cần nằm viện, điều trị xuất viện trong ngày. Người bệnh không ảnh hưởng đến thẩm mỹ, không để lại sẹo do được can thiệp bằng ống thông qua da.
Theo Phương Thuận (Giadinh.net.vn)