Trong hôn nhân, kinh tế là của chung, khi 1 trong hai người không tôn trọng nguyên tắc ấy chắc chắn sẽ xảy ra mâu thuẫn. Giống như câu chuyện của cặp vợ chồng trẻ dưới đây chẳng hạn.
"Chồng em thu nhập cao hơn vợ, đổi lại anh ấy vắng nhà suốt, việc chăm con con cái, đối nội đối ngoại em phải gánh hoàn toàn. Chồng em cứ đi từ thứ 2 đến thứ 7, chủ nhật được nghỉ lại theo hội bạn đi câu. Nói không quá chứ nhà chỉ như chỗ trọ, anh ấy về ngủ mỗi lúc buổi tối, con có khi cả tháng không được chơi với bố lần nào. Nhiều khi thương con, em cũng góp ý nhưng chồng lại bảo: 'Thế em ở nhà làm gì?', sau em chán cũng không nói lại. Con ốm đau, bố mẹ trái gió trở trời nằm viện chỉ em lo, chồng luôn viện cớ bận, đùn hết cho vợ.
Thực sự mà nói lắm lúc em chán, ngồi nghĩ mình không khác gì mẹ đơn thân. Song nghĩ đi nghĩ lại, anh ấy lo kinh tế nhiều hơn, em đành chịu vất vả làm việc nhà thay. Cái gì cũng phải có 2 mặt của nó.
Tuy nhiên cuối tuần trước, em vô tình đọc được tin nhắn chồng nói chuyện với em gái. Anh cho cô ấy 200 triệu để làm nhà. Hôm trước vợ chồng cô ấy sang nhà em vay, bọn em đã thống nhất cho vay 300 triệu rồi, không ngờ anh chỉ diễn trước mắt vợ, sau lưng âm thầm cho thêm 200 triệu nữa.
Nói thật, chuyện anh em trong nhà bao bọc nhau em không phản đối nhưng anh cho em gái ngần ấy tiền thì phải thông qua ý vợ. Đằng này, anh ấy còn dặn cô em là không cho chị dâu biết, đó là tiền riêng của anh. Vậy có nghĩa, chồng em không chỉ thiếu tôn trọng vợ mà còn có quỹ đen, em không hề biết. Trong khi lúc nào anh cũng nói rằng kinh tế kiếm được bao nhiêu đều đã đưa vợ cầm cả rồi.
Hôm ấy em bức xúc lắm, lập tức gọi chồng ra đối chất nói chuyện. Lúc đầu anh ấy không chịu nhận, tới khi em đưa điện thoại ra, anh mới thôi không chối. Tuy nhiên thái độ của chồng càng làm em ức hơn. Anh ấy bảo: 'Đúng là tôi cho em gái tiền nhưng đó là tiền tôi kiếm ra, không liên quan tới cô'.
Em nghẹn đắng, cảm giác bao nhiêu công lao hi sinh vất vả của mình trong suốt thời gian qua đổ sông đổ bể hết. Thậm chí anh ấy còn giở giọng nói rằng em không có quyền giám sát, quản lý chi tiêu của chồng. Trước nay anh không để vợ phải túng thiếu, nếu em không biết điều, anh không đưa tiền chi tiêu hàng tháng cho nữa, thực hiện ai tiêu tiền người ấy cho em biết.
Nghe tới đây, em nản hẳn, lấy 20 triệu chồng đưa tối hôm trước vẫn còn nguyên, tuyên bố: 'Từ nay cứ mạnh ai người ấy sống, tiền ai người ấy tiêu đúng như lời anh nói'.
Lúc đó chồng em vẫn tự đắc lắm, còn thách thức bảo xem em chịu được mấy bữa. Cho tới lúc đi ngủ, chồng vào giường em đưa gối chỉ tay: 'Đã chia đôi tài chính thì giường cũng chia'.
Lão ấy hậm hực ôm gối sang phòng bên. Hôm sau tới bữa em cũng chỉ nấu cơm 2 mẹ con em ăn, lão về muộn không thấy vợ phần cơm, cằn nhằn nhưng em bảo: 'Tôi không cầm tiền của anh, không có nghĩa vụ nấu nướng phục vụ'.
5 ngày chia mâm chia giường như thế, chồng khó chịu ra mặt, em vẫn kệ. Tối ấy nhà có khách nhưng là khách của chồng đến ăn cơm nên em cũng nói luôn: 'Tự túc nhé chứ tôi không có trách nhiệm với bạn anh đâu'.
Nói rồi em dắt xe đi, mặc kệ chồng ở lại hằn học, bực tức. Tới chiều, anh ấy nhắn tin bảo em về nhà sớm vợ chồng nói chuyện nghiêm túc. Hôm ấy có bao nhiêu bức xúc trong lòng em xả ra hết, cũng nói rõ rằng nếu anh cảm thấy không còn tôn trọng vợ nữa thì ly hôn chứ em không muốn sống kiểu vợ chồng coi nhau như không tồn tại. Chắc mấy ngày đó chồng em cũng suy nghĩ nên thẳng thắn thừa nhận lỗi sai về mình và hứa sẽ thay đổi".
Hôn nhân muốn bền chặt, trước tiên vợ chồng phải học cách tôn trọng đối phương trong mọi hoàn cảnh. Người chồng trong câu chuyện trên thực sự đã sai khi thiếu tôn trọng vợ nên cô mới phản ứng gay gắt lại như vậy. Hẳn rằng sau chuyện lần này, anh đã hiểu hơn cho nỗi lòng của vợ mình để tình cảm vợ chồng từ ấy khăng khít, hạnh phúc hơn.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)