Các chuyên gia Viện Dinh dưỡng cho hay, cách đây nửa thế kỷ, những triệu chứng cá nhân của bác sĩ Robert Ho Man Kwok được mô tả trong lá thư gửi Tổng Biên tập báo New England Journal of Medecine sau khi vị bác sĩ này ăn tại một nhà hàng Trung Quốc như tê mỏi gáy, khó chịu... và được gọi là "Hội chứng nhà hàng Trung Quốc".
Ông và các cộng sự giả định các triệu chứng trên đây có thể gây ra bởi một số thành phần có trong nước tương. Một vài người nhận định triệu chứng gây ra có thể do rượu vì các triệu chứng này tương tự như các triệu chứng do ảnh hưởng của rượu.
Tuy nhiên, một số khác lại nhận định cho rằng triệu chứng này gây ra bởi mỳ chính được sử dụng làm gia vị trong chế biến các món ăn.
Một khả năng khác cũng được đưa ra là hàm lượng muối cao trong các món ăn Trung Quốc có thể làm cao natri trong máu, gây nên hiện tượng giảm kali trong nội bào, tạo ra các triệu chứng trên.
Trong nhiều năm, các tổ chức y tế và sức khoẻ hàng đầu thế giới như JECFA (thuộc FAO/WHO), FDA, EC/SCF... đã thực hiện nhiều nghiên cứu trong thời gian dài nhằm cố gắng tìm ra nguyên nhân gây các triệu chứng trên.
Sau nhiều nghiên cứu sử dụng phương pháp "mù kép", có đối chứng để đánh giá tác động cộng gộp về "Hội chứng nhà hàng Trung Quốc" trên mỳ chính, các nhà khoa học không tìm thấy bất kỳ một mối liên quan nào giữa mỳ chính và các triệu chứng nói trên.
Điều đó có nghĩa là mỳ chính được "minh oan" không phải là nguyên nhân gây ra hiện tượng mỏi gáy, khó chịu... Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để tìm hiểu, hiện tượng mệt mỏi đó do đâu mà có.
"Cần xác định rõ, mỳ chính không phải là chất gây dị ứng mà là chất phụ gia thực phẩm được xác nhận là an toàn cho mục đích sử dụng. Vì thế, không loại trừ nguyên nhân biểu hiện các triệu chứng trên là do tính không chấp nhận thực phẩm, tuỳ theo cơ địa mẫn cảm ở một số người" - Viện Dinh dưỡng khẳng định.
Theo Quỳnh An (Giadinh.net.vn)