Phụ nữ không sợ nghèo, không sợ khổ chỉ sợ lấy nhầm chồng bởi khó khổ mấy có chồng ở bên cùng gánh vác, mọi thứ sẽ vượt qua. Ngược lại, lấy nhầm chồng thì có ở trong chốn lầu son gác tía họ vẫn chỉ thấy mình là người đàn bà bất hạnh với cảnh sống đồng sàn dị mộng, cả đời không thể tìm được tiếng nói chung cùng chồng.
Mới đây trên mạng xã hội cũng chia sẻ câu chuyện của một người vợ than thở về cảnh lấy phải chồng vô tâm như sau: "Vì từng có tiền sử sảy thai 1 lần nên lần này có em cũng khó giữ vô cùng. 3 tháng đầu toàn bị ra máu, uống không biết bao nhiêu thuốc mới ổn định được mà chồng chẳng bao giờ biết quan tâm lo lắng. Anh ấy chỉ cần biết một tháng đưa tiền chi tiêu, thế là đủ. Chuyện sinh nở là của phụ nữ, là trách nhiệm của riêng em, em lo liệu. Chẳng thế mà mấy lần em bị đau bụng, gọi điện bảo chồng về đưa đi khám anh ấy bảo: 'Người ta cũng là phụ nữ, chửa đẻ nhàn như không. Lấy em về đúng là như lấy nợ'.
Sau vài lần như thế, em tuyệt đối không phiền hà gì tới chồng, toàn tự đi khám xét, có vấn đề gì thì gọi điện nhờ nhà đẻ. Cũng may chị gái em sống gần nên thi thoảng chị vẫn qua lại đỡ đần.
Mấy ngày Tết em phải chạy đi chạy lại phục vụ nấu nướng cỗ bàn nhiều, hết đãi cơm anh em chồng tới bạn bè chồng nên hôm mùng 5 bị động thai ra máu. May nhà gần viện vào kịp mới giữ được. Tuy không phải nằm kê chân giữ thai nhưng phải hạn chế đi lại vận động. Vợ bị thế nhưng chồng em cũng có hỏi han đâu, vẫn đi tối ngày mặc kệ vợ.
Đã vậy, sáng qua vừa ngủ dậy, anh ấy đã sai vợ làm mấy mâm cơm cúng Rằm tháng Giêng, mời anh em nhà nội sang ăn. Chúng em là trưởng nên năm nào những tuần tiết lớn như Rằm tháng Giêng, Rằm tháng 7 đều phải làm lớn. Em giải thích rằng, sức khỏe của vợ còn yếu, không thể nấu ngần ấy cỗ bàn. Nếu anh muốn tổ chức thì tự xắn tay vào bếp hoặc không gọi mọi người tới để họ chủ động lo liệu. Không thể như mọi năm, mấy mâm cỗ toàn mình em nấu nướng, các chị em chồng chỉ đúng giờ sang ngồi đóng mâm. Ăn xong thì đứng dậy về, không ai giúp đỡ gì cho em cả.
Em nói thế, chồng đỏ mặt bảo: 'Đấy là nhiệm vụ của cô, muốn làm sao là tùy nhưng phải lo cho tươm tất, đừng để xấu mặt chồng'. Nói xong anh ấy lên xe đi luôn, em nằm giường mà tủi thân ứa nước mắt.
Vì từng 1 lần bị mất con, lần này em quyết không để tư tưởng làm ảnh hưởng tới thai nên vui vẻ 'lo tươm tất' theo ý chồng. Tuy nhiên, thay bằng việc tự vào bếp nấu, em gọi đặt nhà hàng 4 mâm cỗ. Chưa đầy 2 tiếng sau, cỗ bàn bầy biện đầy đủ, chồng em đi chơi về thấy vậy mặt mũi cau có, khó chịu bảo em lười, chỉ nghĩ cách tiêu tiền. Em cười tươi, đáp lại: 'Yên tâm, 4 mâm cỗ này tôi trả bằng tiền của tôi. Hôm nay coi như là tôi mở tiệc mời gia đình, họ hàng nhà anh, tiện thông báo luôn tôi sẽ chính thức cắt đứt chuỗi ngày làm vợ, làm dâu con trong nhà này. Lấy nhau có cưới xin ăn hỏi thì lúc đi cũng phải đàng hoàng. Sau bữa cơm ngày hôm nay, tôi gửi đơn ra tòa, sống với người chồng vô tâm, thiếu tình người như anh, tôi chịu không chịu nổi'.
Miệng nói, tay em đưa chồng lá đơn ly hôn đã ký sẵn khiến anh ta tái mặt nhìn vợ. Biết em không đùa, cũng hiểu nỗi ấm ức trong lòng em lên cao đỉnh điểm rồi anh ấy mới bắt đầu xuống giọng bảo vợ chồng có gì nói sau. Sợ mọi người đến sẽ biết chuyện, anh vội vàng kéo vợ về phòng, nhận lỗi bảo để từ từ sẽ sửa đổi. Nghĩ thôi vì đứa con trong bụng em đành nhắm mắt cho qua thêm lần nữa nhưng cũng nói rõ, nếu anh không thay đổi, em sẽ ly hôn".
Phụ nữ vốn yếu mềm nhưng vì người đàn ông của mình, họ luôn cố gắng gấp mấy lần sức lực để có thể thay chồng lo toan, gánh vác việc gia đình. Tiếc rằng không phải người chồng nào cũng hiểu và trân trọng sự nỗ lực ấy của vợ. Không ít người còn cho rằng sự rắn giỏi, kiên cường của vợ là nhiệm vụ, bổn phận buộc họ phải gồng gánh. Khi thương yêu không đủ, sẻ chia không có, bất cứ người vợ nào cũng sẽ thấy bất mãn mà tự vùng dậy, giành ấy công bằng về cho bản thân. Khi ấy, đàn ông không thể trách vợ mình lạnh lùng, bởi khi họ nhiệt huyết hết mình, các anh đâu ghi nhận. Lúc họ mất hi vọng, mất niềm tin ở chồng rồi, các anh có mơ cũng không giữ được vợ lại bên mình nữa.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)