Khi không còn giải pháp để tháo gỡ mâu thuẫn hôn nhân, vợ chồng mới buộc phải chọn phương án cuối cùng là ly hôn để giải thoát cho cả hai. Thế nhưng hậu ly hôn phải làm sao cho đôi bên không quá cảm thấy tổn thương, đặc biệt là những đứa con chung không bị hẫng hụt, thiệt thòi thì nhiều người vẫn chưa thật sự để ý.
Trên 1 diễn đàn mạng, người phụ nữ chia sẻ câu chuyện của mình như sau: "Cách đây gần 5 năm, khi em vừa sinh bé đầu lòng được 7 tháng thì phát hiện chồng ngoại tình. Ban đầu em cũng định nhắm mắt cho qua nhưng khi biết được ả đàn bà đó có bầu với chồng mình rồi thì em quyết định ly hôn luôn, không cần phải suy nghĩ, đắn đo gì cả.
Sau khi ra tòa, em phải là người bế con ra khỏi nhà vì căn hộ đó là tài sản trước hôn nhân của chồng. Vài tháng sau hắn tái hôn, rước cô ta về ở trong nhà đó còn mẹ con em đi thuê trọ. Thật sự những ngày ấy em hận chồng thấu xương. Cũng may có con làm chỗ dựa tinh thần, cộng thêm sự trợ giúp của ông bà ngoại, em mới vực lại được.
Được khoảng nửa năm đầu chồng cũ đều đặn chuyển khoản phụ cấp nuôi con, cũng thường xuyên tới đón thằng bé về nội chơi. Từ ngày vợ mới sinh là anh ta chẳng ngó ngàng thăm nom gì con nữa. Tiền thì anh ta vẫn gửi, thi thoảng nhắn được cái tin hỏi tình hình của con nhưng không bao giờ tới chơi với nó. Em đoán anh ta sợ vợ mới ghen nên không dám gần gũi con riêng như vậy.
Khi con tròn 3 tuổi thì em tái hôn. Chồng mới của em tên K., anh cũng từng 1 lần đi qua đổ vỡ, có 1 đứa con riêng đang ở cùng bọn em. Vì cùng hoàn cảnh nên chúng em đồng cảm, thấu hiểu nhau vô cùng. Đặc biệt K. rất thương con em, chưa bao giờ em thấy anh ấy phân biệt đối xử giữa con chung, con riêng. Cũng vì thế mà con em quấn anh lắm.
Cách đây chục hôm, chẳng hiểu sao mà tự nhiên chồng cũ lại nhắn tin nói muốn tới nhà mừng tuổi con. Nói chung em khá bất ngờ nhưng vẫn vui vẻ tạo điều kiện cho bố con gặp nhau. Ban đầu em định hẹn ở quán cà phê nào đó song K. em bảo cứ mời anh ta đến nhà cho đàng hoàng, để anh ta biết về tổ ấm mới của con.
Đúng hẹn, 8h tối hôm sau anh ta tới. Vì đã quá lâu không gặp nên thấy bố, nó không nhận ra mà tròn mắt nhìn. Phải giục mãi thằng bé mới chịu khoanh tay chào nhưng nó chỉ chào là chú. Em bảo chào bố đi thì nó chạy một mạch vào lòng K. bảo: 'Bố con đây cơ mà'.
Con em liên tục gọi K. là bố, còn chồng cũ em là chú khiến anh ta ngây người nhìn. Lúc sau anh ấy rút ví lấy 3 triệu đặt vào tay con bảo mừng tuổi, mua quần áo mới. Bất ngờ, con em cầm đưa luôn cho K., mặt mày hớn hở giục: 'Mai bố đưa con với em đi mua quần áo nhé'.
Mặt chồng cũ em càng lúc càng nghệt ra, cố tìm cách gần gũi để bế con tí nhưng thằng bé không chịu, anh ta đành đứng lên về. Lúc ấy K. trao con cho em rồi ra tiễn khách thay vợ. Đứng bên trong nhà, em vẫn nghe thấy tiếng anh ấy dặn chồng cũ của em: 'Ông chịu khó dành thời gian cho thằng bé hơn. Nó còn nhỏ, mình phải nuôi dưỡng tình cảm dần dần, không thể tự nhiên mà nó hiểu về tình thân máu mủ đâu'.
Chồng cũ em nghe xong lặng lẽ ra về. Chắc phản ứng của thằng bé hôm ấy khiến anh ta hiểu ra nhiều điều nên hôm qua đã chủ động tới chơi với con rồi".
Khi cuộc hôn nhân đến hồi kết, hầu hết tâm lý của người trong cuộc đều chỉ muốn rời xa đối phương càng nhanh càng tốt, giành giật lấy những quyền lời cho riêng mình. Họ không đủ tỉnh táo nhận ra rằng, đằng sau sự chia ly của 2 người còn rất nhiều mối quan hệ xung quanh khác bị tổn thương cần được bồi đắp, trong đó quan trọng nhất là những đứa con chung.
Vậy nên, nếu buộc phải ly hôn thì hãy chọn cách ly hôn văn minh, dù chia tay đôi ngả, vợ chồng vẫn luôn hành xử đúng mực, đặt thương yêu, quyền lợi của con cái làm trọng để tránh làm tổn thương tinh thần con trẻ cũng như không tự tước đi thiên chức làm cha mẹ của mình. Hi vọng sau chuyện này, người chồng trong câu chuyện trên sẽ hiểu và biết cách hành xử đúng mực với con và vợ cũ của mình hơn.
Theo Hải Hương (Nhịp Sống Việt)