Ly hôn văn minh là điều mà nhiều người hướng tới. Suy cho cùng, tuy vợ chồng đã hết duyên nhưng giữa hai người vẫn còn nhiều mối quan hệ chung không bao giờ có thể chối bỏ như bạn bè, bố mẹ, đặc biệt là con cái. Do vậy, khi không còn sống chung dưới một mái nhà, không có nghĩa vợ chồng có thể xem người kia như không còn tồn tại và phủ nhận tất cả những thứ từng là quá khứ của mình. Giống người chồng trong câu chuyện dưới đây chẳng hạn.
Câu chuyện như sau: "Sau 5 năm chung sống, giữa em với chồng cũ ngày càng phát sinh nhiều mâu thuẫn, bất đồng không thể giải quyết. Đặc biệt mối quan hệ của em với mẹ chồng luôn căng thẳng, chồng em ở giữa không biết phân biệt đúng sai, anh ta nghe mẹ coi vợ như cái bóng trong nhà. Sau không không thể nhẫn nhịn được thêm, em mới quyết định ly hôn.
Ngày ấy em chủ động viết đơn, anh ta bực tức lắm. Lúc ký đơn chồng cũ em còn thách thức rằng để xem rời anh ta ra em có sống nên thân không. Sau khi ly dị, anh cưới ngay vợ khác như để chứng minh cho em thấy, bỏ em anh ta có thể kết hôn bất cứ lúc nào. Tất nhiên việc đó chẳng làm em bận tâm, chỉ buồn rằng sau khi ra tòa anh ta tuyệt đối không hỏi han, ngó ngàng gì tới con. Lúc vợ chồng bỏ nhau, con em đã 3 tuổi, thằng bé biết nhận thức rồi, thi thoảng nhớ bố nó cũng hỏi. Thương con, em chủ động liên lạc giục chồng cũ tới thăm thằng nhỏ cho nó vui song anh ta toàn từ chối thẳng thừng, nói muốn tập trung lo cho tổ ấm mới.
Thậm chí khi em cảnh báo rằng, nếu anh không dành thời gian quan tâm con, sau này đừng trách thằng bé lớn lên không có tình cảm với bố. Anh vẫn thản nhiên nói rằng 'nước chảy và nguồn, lá rụng về cội', con anh ta, dù sống ở đâu thì sau này nó sẽ tự tìm về với dòng tộc, máu mủ.
Thực sự nghe giọng ngang ngược, ấu trĩ của chồng cũ, em chán không buồn nói nữa. Thời gian sau này, em luôn cố gắng đảm nhiệm 2 vai trò vừa làm mẹ vừa làm bố cho con khỏi bị thiệt thòi.
Cuối năm ngoái em tái hôn, may mắn chồng mới của em là người hiểu chuyện, anh ấy thương yêu, quan tâm con riêng của vợ thật lòng nên thằng bé quấn anh lắm. Còn về phần chồng cũ em, kết hôn 3 năm, thấy bảo vợ mới mang bầu nhưng chửa ngoài dạ con phải cắt bỏ cả 2 bên buồng trứng nên không còn khả năng sinh nở.
Cũng vì chuyện đó mà thời gian gần đây, sau 3 năm gần như biệt tích anh ta liên tục liên lạc, thuyết phục em nhường quyền nuôi con cho. Em không đồng ý, anh ta nổi khùng giở giọng bảo mình là bố sẽ có quyền chăm nuôi con. Nói chung vì không muốn làm tổn thương con nên em không nhờ tòa can thiệp mà vẫn cư xử nhẹ nhàng. Em nói bản thân không cấm cản việc anh thăm nom con nhưng bảo đón thằng bé về ở hẳn thì không được. Bởi con đang quen sống với gia đình mới rồi, để sau lớn hơn nó sẽ tự lựa chọn.
Vậy mà tối qua chồng cũ hùng hổ tới tìm em. Vừa bước vào nhà anh ta đã lao vào kéo con bắt nó phải theo mình về. Thằng bé sợ quá khóc ầm, một mực không theo. Anh ta mang đủ thứ nào đồ chơi, hứa cho nó cái này cái khác mà nó vẫn lắc đầu. Nhìn chồng mới của em, nó chạy lại ôm ghì bảo: 'Con chỉ muốn ở với mẹ và bố H. (tên chồng hiện tại của em), con không đi đâu hết. Bố con là bố H.'.
H. thương con, ôm thằng bé vào lòng rồi khuyên bố đẻ nó cứ bình tĩnh, phải cho nó thời gian mới gần gũi nó được. Phản ứng của con trai khiến chồng cũ em mặt ngây dại. Lúc ấy em mới bảo: 'Tôi đã nói với anh rồi, tình cảm phải nuôi dưỡng mới có. Sự thờ ơ, thiếu quan tâm không thể nhận lại được tình yêu thương, quấn quýt kể cả là ruột thịt gia đình. Tôi chưa bao giờ ngăn cấm anh gần gũi con nhưng làm sao để con đón nhận anh lại tùy thuộc ở anh chứ không phải ở tôi'.
Lần này chồng cũ của em cúi gằm mặt im lặng nghe vợ nói chứ không còn nói giọng 'lá rụng về cội', ruột thịt cha con ắt tự tìm về nhau như trước nữa".
Ứng xử thế nào cho văn minh để đôi bên không bị tổn thương thêm cũng như những mối quan hệ xung quanh không mất đi là điều chúng ta nên học. Dù vợ chồng không còn đồng hành trong cuộc sống nhưng cũng từng là quá khứ, từng là lựa chọn của mình, dù có thể chưa thực sự hoàn hảo. Thay vì phủ nhận chúng ta hãy tôn trọng để có thể giữ hình ảnh của mình trong lòng người còn lại, cùng nhau xây đắp những thứ còn lại mà chắc chắn đôi bên không thể bỏ qua như con cái, người thân, hay bạn bè chẳng hạn.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)