Như Lao Động đã đưa tin, Bộ Y tế đã cấp phép 3 loại thuốc có chứa hoạt chất Molnupiravir điều trị COVID-19 được doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. Và theo dự kiến, 3 loại thuốc trên sẽ được bán ra thị trường trong tuần tới.
Tiếp sau đó, thông tin từ chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu cũng cho biết, hệ thống này sẽ bán ra thị trường 2 loại thuốc điều trị COVID-19 là Molravir 400 của Boston Việt Nam và Molnupiravir Stella 400 của Stellapharm thông qua hơn 500 nhà thuốc ở 63 tỉnh, thành phố trong tuần tới.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Lao Động ngày 20.2, bà Phan Thanh Uyên – Giám đốc marketing của FPT Long Châu – cho biết, theo kế hoạch FPT Long Châu dự kiến bán ra thị trường thuốc Molnupiravir vào tuần tới. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể của việc bán ra chính thức vẫn còn chờ hướng dẫn của Cục Quản lý Dược.
Cụ thể theo bà Uyên, FPT Long Châu chờ hướng dẫn về đối tượng được mua thuốc, số lượng phân phối trên từng đối tượng, giá bán trên giá khuyến nghị từ doanh nghiệp sản xuất thuốc này tại Việt Nam…
“Tới thời điểm này, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng, tất cả chỉ còn chờ hướng dẫn của Cục Quản lý Dược là sẽ tiến hành”, bà Uyên cho biết.
Chia sẻ thêm về việc phân phối theo kế hoạch, bà Uyên cho rằng, những ngày đầu, lượng thuốc ra thị trường chưa nhiều trong bối cảnh nhu cầu đang rất lớn, vì vậy sẽ phải làm sao kiểm soát việc bán đúng đối tượng (cho F0), đơn cử như dựa trên giấy xác nhận F0, trên số điện thoại người mua (mua hộ vì F0 không thể ra khỏi nơi cách ly đi mua thuốc)… để thuốc đến đúng đối tượng và tránh tình trạng mua gom trục lợi.
Thế nhưng, việc khớp giấy xác nhận F0 với số điện thoại người đến mua (mua hộ) cũng khó đạt kết quả 100%, ít nhiều sẽ có khoảng chênh nhất định. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ sử dụng những cách có thể để xác định đúng đối tượng cần mua.
Chia sẻ từ bà Phan Thanh Uyên cũng cho biết, với lượng thuốc Molnupiravir trong vài ngày đầu chưa nhiều, Long Châu sẽ ưu tiên cho thị trường Hà Nội và những địa phương đang có số ca F0 hàng ngày ở mức cao, để góp phần hỗ trợ người dân có thuốc để điều trị kịp thời.
“Công ty cũng đã quy định nhân viên phải bán thuốc đúng đối tượng, nếu bị phát hiện cố tình vi phạm, găm hàng, sẽ bị kỷ luật cho thôi việc”, bà Uyên cho biết.
Được biết, 3 doanh nghiệp được Bộ Y tế cấp phép lưu hành 3 loại thuốc điều trị COVID-19 ra thị trường tại Việt Nam dự kiến mức giá từ 260-300 ngàn đồng cho mỗi liệu trình điều trị.
Tuy nhiên, điều dư luận lo lắng là thời gian qua, đã xảy ra tình trạng những túi thuốc điều trị F0 bị tuồn ra ngoài thị trường bán với mức giá 5-7 triệu đồng. Cùng với đó là các loại thuốc giả, thuốc nhái Molnupiravir sản xuất tại Việt Nam “té nước theo mưa” để trục lợi.
Hiện thuốc Molnupiravir dường như khan hiếm trên thị trường, chính vì thế càng phải đề phòng khả năng các đối tượng đầu cơ mua gom và găm hàng để sau đó nâng giá trục lợi trên bệnh tật của người dân.
Theo Thế Lâm (Lao Động)