Lấy Lộc được hơn một năm nhưng Lai đã nhận được tin nhắn mượn tiền của chị chồng trên dưới 10 lần.
Ban đầu, Lai nghĩ vợ chồng chị ấy túng thiếu thật, vì nhà có 2 đứa con, đang tuổi ăn tuổi học. Và không muốn chị chồng nói mình ích kỷ, có tí tiền cưới mà giữ khư khư nên Lai đồng ý cho vay.
Nhưng rồi số tiền hồi môn cũng đã cho mượn hết mà chị chồng không dừng lại. Hầu như tháng nào Lai cũng nhận được tin nhắn như thế này của chị ta. Bữa nhiều nhặn thì vay 10 triệu, 20 triệu. Bữa nào ít thì cũng phải 2 - 3 triệu.
Vợ chồng nhà chị gái của Lộc đều có công ăn việc làm ổn định. Chị là công nhân nhà máy thôi nhưng tháng nào cũng được 6 - 7 triệu. Còn anh thì là tổ trưởng một xí nghiệp may, lương 10 triệu còn là ít. Mức thu nhập như vậy mà sống ở quê thì cũng khá sung túc, làm gì đến độ túng thiếu phải đi vay em dâu?
Lai thấy mình như câu ATM của chị, cần là chị hỏi vay mà chưa lần nào thấy trả. Vợ chồng Lai cũng làm trên thành phố thật, nhưng chi tiêu cũng phải dè xẻn lắm mới dành ra được ít tiền, vậy mà chị chồng vay mất tiêu!
Lai đem chuyện này nói với chồng thì anh gạt đi, cho rằng cô ích kỷ. Lộc nói: "Sao em nhỏ mọn thế. Nhà chị ấy có bí quá mới đi vay. Mà cho người nhà mình mượn tiền chứ cho người ngoài đâu mà em tính toán. Giờ nhà mình chưa cần đến thì cứ cho vay. Bao giờ dùng đến tiền thì hỏi chị ấy cũng chẳng muộn".
Thấy chồng nói vậy Lai càng bực. Bởi chị chồng túng thiếu thật đã đành. Đằng này cứ dăm bữa nửa tháng lại thấy chị đăng ảnh đi mua sắm, ăn uống nhà hàng, thậm chí còn xin nghỉ phép đi du lịch cả tuần với chồng con. Lai mang tiếng cũng làm ra tiền nhưng cô chưa bao giờ xa xỉ như vậy.
Như đến hẹn lại lên, tuần trước chị chồng lại nhắn tin vay Lai. Vừa mở điện thoại ra thấy dòng nhắn "mợ có tiền cho chị vay thêm 10 triệu, đợt này đóng học phí cho các cháu nhiều quá nên chị hơi bí. Cuối tháng này lĩnh lương chị trả" mà Lai tức điên. Bởi không biết bao nhiêu lời hứa cuối tháng trả nợ của chị rồi, nhưng cuối cùng chẳng chút động tĩnh.
Lai liền nhắn lại luôn: "Vâng, vẫn số tài khoản cũ phải không chị. Cuối tháng chị không phải vội trả em đâu. Chị cứ cộng dồn nợ vào đó. Em thấy bố mẹ ở quê đang làm sổ đỏ cho 2 mảnh đất chia cho 2 anh em.
Đằng nào chị cũng không ở nhà bố mẹ thì em nhận luôn cả 2 mảnh rồi trừ tiền chị vay nợ dần. Còn thiếu bao nhiêu 2 vợ chồng em trả thêm cho anh chị".
Lai nhắn như thế, một lúc lâu sau mới thấy chị chồng nhắn lại: "À thôi anh nhà chị vừa vay được rồi. Chị cảm ơn em nhé".
Thế rồi tuần này vợ chồng Lai về ăn giỗ cụ. Cỗ bàn vừa xong thì chị chồng Lai gọi cô sang nhà rồi mở tủ lấy một cọc tiền ra trả.
Dù mặt chị ta trông tiếc ngẩn ngơ nhưng vẫn nói với Lai: "Số tiền chị vay vợ chồng em hơn 1 năm qua cho chị gửi lại nhé. Cảm ơn cô đã cho nhà chị vay. Cô đếm xem có thiếu đồng nào hay không?".
Lai chẳng cần đếm mà bỏ tiền luôn vào túi rồi vui vẻ: "Chỗ người nhà đếm làm gì chị ơi. Chị trả là được rồi".
Sau đó Lai ra về. Cô vốn cũng không tính toán chị chồng vay có trả đủ hay không, vì đều là người nhà với nhau. Cái Lai ghét chính là chị ta coi cô là cây ATM rút tiền hàng tháng.
Chị chồng thích dùng tiền của người khác nhưng lại lo sợ mất suất đất vàng. Nắm được điểm yếu này Lai đánh đúng vào tâm lý của chị. Có như thế mới biết rõ ràng nhà chị chồng có điều kiện nhưng lại "đóng cửa đi ăn mày". Chỉ khi nào động chạm vào quyền lợi mới trật ra bộ mặt thật.
Theo Hướng Dương HT (Nhịp Sống Việt)