Xung quanh cuộc sống hôn nhân có rất nhiều mối quan hệ ràng buộc mà vợ chồng phải thật tâm chăm sóc thì tình cảm gia đình mới được nuôi dưỡng gắn bó. Trong đó quan trọng nhất chính là hai bên nội ngoại phải được vợ chồng đối xử như 1. Tiếc rằng anh chồng trong câu chuyện mới được chia sẻ trên mạng xã hội dưới đây lại sống thiên vị, coi thương nhà ngoại khiến vợ anh bức xúc than thở:
"Chồng em sống thiếu tâm với nhà ngoại lắm. Sau cưới, hai vợ chồng không có điều kiện mua nhà, bố mẹ em thương cho đất nhưng anh bảo không thích ở trên đất nhà vợ, mang tiếng 'chui gầm trạn'. Chúng em xin bán miếng đất ấy đi mua chung cư gần nhà nội. Bố mẹ em vui vẻ không ý kiến gì. Vậy mà anh thì coi đó như việc đương nhiên nhà vợ phải làm nên chẳng nói được 1 lời cảm ơn. Trong khi đó bên nội cho được 90 triệu mua nội thất thì anh cứ nhắc đi nhắc lại như kiểu tạc vào đầu cho em nhớ, không sợ vợ quên công lao của bố mẹ chồng. Song em cũng mặc kệ vì suy cho cùng, bố mẹ đẻ hay bố mẹ chồng chăm lo giúp đỡ cho nhiều hay ít em đều trân trọng biết ơn.
Đợt này em đang nghỉ sinh bé thứ 2, bố chồng ốm, mẹ chồng phải ở nhà chăm ông không sang chăm mẹ con em được. Cũng may mẹ đẻ vừa nghỉ hưu, thương con gái bà lại khăn gói sang chăm 3 mẹ con em để con rể yên tâm đi làm.
Có bà sang đỡ, vợ chồng nhàn đi bao nhiêu. Đêm bà bế cháu, con rể chỉ việc lăn ra ngủ 1 một mạch từ tối tới sáng. Ngày thì bà chợ búa, nấu nướng, giặt giũ tã lót cho cháu. Chồng em không phải động chân động tay làm bất cứ việc gì.
Đấy, bà giúp vợ chồng như thế mà với mẹ vợ, chồng em vẫn luôn đề phòng. Ngày đầu bà sang ở cùng, em bàn với chồng mỗi tháng nhận lương sẽ đưa cho bà 5 triệu để bà chi tiêu chợ búa. Anh không đồng ý bảo bà đi chợ ngày nào, đưa tiền ngày đó cho dễ quản lý. Nói là làm, mỗi ngày anh đưa mẹ vợ 150k mua thức ăn 3 bữa trong ngày.
Mẹ em khá nhạy cảm, bà biết ý hôm nào đi chợ về cũng cặm cụi ghi chép vào cuốn sổ. Nhiều khi bực, em bảo bà không phải làm thế, song mẹ bảo: 'Làm vậy cho rõ ràng lại quản lý được chi tiêu để cân chỉnh ngày này ngày khác'.
Hôm nào thừa tiền chợ bà sẽ kẹp luôn vào cuốn sổ đó để vào ngăn kéo cạnh giường em.
Hôm qua cũng thế, vừa đi chợ về, đang ngồi liệt kê các khoản thì cháu khóc. Em trong nhà vệ sinh chưa ra được. Bà vội vàng rửa tay vào bế. Lúc sau lại mải cơm nước nên chưa bỏ tiền thừa kẹp sổ. Tối về, ăn uống tắm giặt xong chồng em mở sổ xem. Thấy mẹ note các khoản chi tiêu trong ngày ra mà không thấy tiền thừa, anh quay sang hỏi: 'Còn thừa 20k sao mẹ không kẹp vào đây. Mai đưa tiền cho bà, em nhắc hoặc giảm tiền đi tránh nhập nhằng. Tiền bạc là phải rạch ròi, thiếu một đồng cũng phải đòi lại'.
Ôi nghe chồng nói mà em choáng váng các chị ạ. Thật sự em không thể hiểu nổi sao anh lại có thể ăn nói như vậy. Bực lên em đáp: 'Được để mai em đòi 20k từ mẹ. Nhưng trước đó, anh chuẩn bị luôn tiền trả cho bà trong mấy tháng qua bà bỏ ra mua thêm đồ ăn, thức uống tẩm bổ cho em. Anh nghĩ 150k của anh có thể đi chợ đủ 3 bữa cơm dẻo canh ngọt trong ngày. Đã thế hôm nào cũng chim quay gà hầm để vợ anh tẩm bổ lấy sữa cho con à. Toàn tiền mẹ âm thầm bỏ thêm vào đó. Đấy là còn chưa kể, công lao bà thức đêm thức hôm chăm bẵm vợ con anh. 1 lời cảm ơn bà còn chưa nghe được từ con rể. Không hiểu mẹ em biết được anh nói thế bà sẽ nghĩ gì.
Nói xong em đưa cho chồng xem cuốn sổ ghi chép riêng của mình về những thứ mẹ mua thêm mỗi ngày. Anh nhìn xong tái mặt vì thấy khoản mẹ vợ bỏ ra nhiều gấp đôi, gấp ba tiền anh đưa bà đi chợ. Thế là anh im bặt, hôm sau trước khi đi làm, tự nhiên anh đưa vợ thẻ ATM dặn: 'Vợ tự chủ động rút tiền gửi mẹ, đừng để bà bỏ tiền ra nữa. Mẹ lên giúp là quý lắm rồi'.
Từ đó tới giờ thái độ của anh với bố mẹ vợ cũng thân thiện, gần gũi hơn, không suốt ngày đề phòng như trước".
Theo dõi câu chuyện trên, hầu hết ai cũng nhận thấy anh chồng này quá tính toán, ăn ở thiếu công bằng với nhà ngoại nên vợ anh bức xúc là điều đương nhiên. Tuy nhiên mọi người cũng mừng cho cô vì cuối cùng anh ấy cũng hiểu ra điều sai lẽ phải, sửa đổi bản thân khiến quan hệ hôn nhân của vợ chồng được thay đổi.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)