Rất nhiều người trên khắp thế giới sử dụng nồi và chảo chống dính để nấu ăn hằng ngày. Lớp chống dính giúp lật bánh kếp, chiên trứng, rán cá ngon và đẹp.
Tuy nhiên, có một số tranh cãi xung quanh lớp phủ chống dính nhựa Teflon. Một số nguồn cho rằng nhựa Teflon có hại và liên quan đến các vấn đề sức khỏe như ung thư, trong khi những nghiên cứu khác khẳng định, nấu ăn bằng chảo chống dính an toàn.
Chảo chống dính là gì?
Theo Healthline, đồ gia dụng chống dính, chẳng hạn như chảo và nồi, được phủ một lớp vật liệu gọi là polytetrafluoroetylen (PTFE), thường được gọi là Teflon.
Teflon là hóa chất tổng hợp từ các nguyên tử carbon và flo, được tạo ra lần đầu tiên vào những năm 1930. Chất liệu này cung cấp một bề mặt không dính và gần như không ma sát. Bề mặt chống dính giúp chảo được phủ Teflon thuận tiện khi sử dụng và dễ dàng vệ sinh. Đầu bếp cũng cần ít dầu mỡ khi chiên rán hơn, giúp món ăn lành mạnh.
Teflon có một số ứng dụng khác như làm lớp phủ dây và cáp, vải không thấm nước, áo mưa…
Trong 10 năm qua, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu về sự an toàn của dụng cụ nấu chống dính.
Nguy cơ khi nhiệt độ nấu quá cao
Nói chung, Teflon là một hợp chất an toàn và ổn định.
Tuy nhiên, ở nhiệt độ trên 260 độ C, lớp phủ Teflon trên chảo chống dính bắt đầu bị phá vỡ, giải phóng các hóa chất độc hại vào không khí. Hít phải khói này có thể dẫn đến sốt khói polymer, còn được gọi là cúm Teflon.
Sốt khói polymer bao gồm các triệu chứng giống cúm tạm thời như ớn lạnh, sốt, nhức đầu và đau nhức cơ thể. Bệnh khởi phát 4-10 giờ sau khi phơi nhiễm và tình trạng này thường hết trong vòng 12-48 giờ. Một số ít trường hợp ghi nhận tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như tổn thương phổi.
Tuy nhiên, trong tất cả những trường hợp được báo cáo, các bệnh nhân đã tiếp xúc với khói từ dụng cụ nấu Teflon từ 390 độ C trở lên trong thời gian kéo dài ít nhất 4 giờ.
Mặc dù ảnh hưởng sức khỏe của Teflon ở nhiệt độ quá nóng có thể nghiêm trọng, nhưng sử dụng các phương pháp nấu ăn hợp lý sẽ giúp bạn tránh bị phơi nhiễm.
Cách giảm thiểu rủi ro khi nấu ăn
Nếu bạn tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cơ bản, việc nấu ăn bằng chảo chống dính sẽ an toàn, tốt cho sức khỏe và thuận tiện.
- Không làm nóng chảo rỗng: Chảo rỗng có thể đạt đến nhiệt độ cao trong vòng vài phút, nguy cơ gây ra khói polymer. Đảm bảo bạn cho một ít thức ăn hoặc chất lỏng vào trong chảo trước khi làm nóng.
- Tránh nấu ở nhiệt độ quá cao: Nấu ở nhiệt độ trung bình hoặc thấp. Tránh nướng vì kỹ thuật nấu ăn này yêu cầu nhiệt độ cao hơn mức khuyến nghị cho dụng cụ nấu chống dính.
- Tạo sự thông thoáng cho nhà bếp: Khi nấu ăn, bạn hãy bật quạt thông gió hoặc mở cửa sổ để loại bỏ khói.
- Sử dụng đồ dùng bằng gỗ, silicon hoặc nhựa: Đồ dùng bằng kim loại có thể dẫn đến trầy xước bề mặt chống dính, giảm tuổi thọ của chảo.
- Cách rửa: Nhẹ nhàng rửa chảo bằng miếng bọt biển và xà phòng, nước ấm. Tránh sử dụng miếng cọ rửa kim loại làm trầy xước bề mặt.
- Thay chảo mới sau 2-3 năm: Khi lớp phủ Teflon bắt đầu hư hại với các vết trầy xước, bong tróc, sứt mẻ quá mức, bạn nên mua chảo mới.
Theo An Yên (VietNamNet)