Đó là trường hợp của em T.H.S. (14 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh).
Ít ngày trước, S. đến nhập viện tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) theo lịch hẹn để thực hiện phẫu thuật điều trị bệnh thông liên thất bẩm sinh (một phẫu thuật ở tim). Trong thời gian chờ phẫu thuật tim, S. xuất hiện triệu chứng đau bụng âm ỉ quanh rốn liên tục, thỉnh thoảng kèm buồn nôn, không sốt.
Bị bệnh tim nhưng suýt chết vì... tăm
Bệnh nhân S. cho biết, em thấy những dấu hiệu này đã xuất hiện trước đó một tuần, nhưng vì nghĩ rằng mình bị đau dạ dày nên đã tự ý mua thuốc uống.
Chia sẻ thêm về thói quen ăn uống, S. cho biết rằng mình có thói quen ăn nhanh, nuốt vội mà thường không nhai. Đặc biệt, em còn rất hay ngậm tăm sau khi ăn.
Tiến hành chụp CT-scan ổ bụng cho người bệnh, các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa của BV phát hiện một chiếc tăm dài khoảng 6cm đâm thủng ruột non, tạo khối áp xe trong ổ bụng. Lúc này S. lờ mờ cho rằng mình nuốt phải tăm trong một lần ăn bún thịt nướng.
Người bệnh lập tức được phẫu thuật nội soi lấy dị vật và cắt bỏ đoạn ruột bị thủng kèm khối áp xe quanh dị vật. Toàn bộ khối này được đưa ra ngoài qua lỗ mở bụng nhỏ 4cm.
Vì được phát hiện và phẫu thuật lấy dị vật kịp thời bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu nên sau mổ người bệnh phục hồi nhanh, có thể ăn uống, sinh hoạt như bình thường và xuất viện sau 5 ngày.
S. được hẹn tái khám sau 2 tuần để chắc chắn không còn tình trạng viêm nhiễm trong ổ bụng cũng như tại vết mổ rồi sau đó mới tính chuyện phẫu thuật điều trị bệnh tim.
Ngoài trường hợp trên thì vào ngày 27/8, một người đàn ông tên Nguyễn Văn Th (quê Nghệ An) đã đến BV Quốc tế Hoàn Mỹ Vinh trong tình trạng đau bụng dữ dội 2 ngày kèm theo buồn nôn, mệt mỏi.
Tiến hành nội soi, các BS phát hiện có dị vật trong dạ dày, ban đầu nghi là xương. Ekip điều trị đã tiến hành lấy dị vật qua nội soi một cách khéo léo, an toàn cho người bệnh. Thứ được lấy ra sau nội soi khiến mọi người bất ngờ khi là 1 chiếc tăm nhọn dài 7cm, gần bị oxi hóa.
Lúc này ông Th. mới nhớ ra và kể lại rằng cách đó 3 ngày sau khi xỉa răng, ông ngậm tăm rồi ngủ quên rồi nuốt phải tăm lúc nào không hay.
Thành viên ekip điều trị chia sẻ, thông thường dị vật sẽ được tiêu hóa ra ngoài mà không hề gây ra các biến chứng. Nhưng đối với các dị vật sắc nhọn như xương hay tăm xỉa răng đều có nguy cơ cao gây thủng đường tiêu hóa. Có trường hợp đâm vào bộ phận nội tạng gây ổ dịch nhiễm trùng, thậm chí tử vong nếu chẩn đoán sai lệch hay phát hiện, xử trí muộn.
"Ngậm tăm đi dạo" - thói quen chết người
TS.BS. Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng phòng Khoa học Đào tạo của BV cho biết: "Người bệnh rất may mắn vì được phát hiện tình trạng viêm nhiễm ổ bụng một cách tình cờ. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, que tăm người bệnh nuốt vào bụng sẽ tiếp tục làm thủng thêm những quai ruột khác, làm lan rộng tình trạng nhiễm trùng ổ bụng và gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng huyết, thậm chí dẫn đến tử vong".
Các BS cảnh báo: Từ lâu, nhiều người Việt Nam có thói quen dùng tăm để xỉa răng sau khi ăn, thậm chí một số người còn có thói quen "ngậm tăm đi dạo". Việc làm này vừa mất thẩm mỹ, mất vệ sinh lại vừa gây nguy hiểm cho bản thân nếu lỡ nuốt phải.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã thay thế dần tăm tre bằng các loại tăm tổng hợp, tự tiêu sau một khoảng thời gian, hoặc dùng các loại tăm chỉ hay chỉ nha khoa thay thế để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng khuyên nếu lỡ nuốt phải tăm hay bất kì dị vật nào, người bệnh cần nhanh chóng đến BV gần nhất kiểm tra và nội soi đường tiêu hóa. Lấy dị vật càng sớm càng tốt cho việc điều trị cũng như phát hiện những biến chứng kịp thời.
Theo Hoàng Lê (Soha/Trí Thức Trẻ)