Bé gái Nam Định sống thực vật vì vừa đùa vừa ăn nhãn, BV Nhi Trung ương không thể chữa trị

26/07/2018 09:22:00

Video mô phỏng cách sơ cứu trẻ khi bị hóc dị vật

Việc sơ cứu hóc dị vật không đúng cách làm mất cơ hội vàng cứu mạng sống của trẻ, nhẹ thì khiến trẻ bị tổn thương hoặc bị ảnh hưởng suốt đời.

Bé gái Nam Định sống thực vật vì vừa đùa vừa ăn nhãn, BV Nhi Trung ương không thể chữa trị

Liên tiếp trẻ nguy kịch do hóc dị vật

Ths.BS Phạm Ngọc Toàn – Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhi Trung ương) vừa cho biết, trong thời gian gần đây khoa liên tiếp tiếp nhận các trường hợp hóc dị vật, phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Nguyên nhân là do sai lầm của người lớn trong cách xử trí và sơ cứu ban đầu.

Trường hợp thương tâm nhất là một bé gái 2 tuổi, quê Nam Định. Bé gái này nhập viện cách đây 3 ngày, khi nhập viện cháu bé đã rơi vào tình trạng hôn mê, phải thở máy.

Theo chia sẻ của người nhà, trước đó bé gái ở nhà với chú, được chú cho ăn nhãn cả quả. Trong quá trình ăn, 2 cháu cháu chơi đùa, do vừa ăn vừa đùa nghịch, cháu bé cười và bị sặc. Ngay sau đó, trẻ xuất hiện biểu hiện hội chứng xâm nhập rất rõ với các biểu hiện ho sặc sụa, tím tái. 

Được biết gia đình có sơ cứu và chuyển đến bệnh viện huyện, tại đây bệnh nhi được đặt nội khí quản và chuyển lên bệnh viện tỉnh, rồi được đưa tiếp lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Thời điểm tiếp nhận, các bác sĩ phát hiện hạt nhãn ngay nắp thanh môn và vẫn còn nguyên cả hạt, cùi. 

"Rất đáng tiếc là cách sơ cứu ban đầu không đúng cách, hạt nhãn bít đường thờ, nên khi đưa đến viện trẻ đã ở trong tình trạng hôn mê. Dù bệnh nhân được xử trí cấp cứu nhưng do não thiếu oxy, bệnh nhân tổn thương não, hiện đang sống thực vật", BS Toàn chia sẻ.

Bé gái Nam Định sống thực vật vì vừa đùa vừa ăn nhãn, BV Nhi Trung ương không thể chữa trị - 1
BS Toàn chia sẻ về ca hóc dị vật hạt nhãn

Trước trường hợp bé gái trên 1 ngày, một bé trai khác ở ngoại tỉnh cũng được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương vì hóc hạt chôm chôm. Bệnh nhân vào viện đã ngừng tim, ngừng thở 10 phút và hiện đang được điều trị tích cực, nhưng tình trạng tổn thương não do thiếu oxy rất nặng nề.

Sơ cứu sai cách trẻ sống cũng thành tật

Trước tình trạng trẻ  hóc dị vật liên tiếp nhập viện do sơ cứu sai cách, Ths.BS Toàn cho rằng, những ca hóc dị vật như hai trường hợp trên, nếu biết cách xử trí, sơ cứu đúng cách thì cơ hội sống của trẻ rất cao.

Tuy nhiên, nếu xử trí không kịp thời hoặc sai cách thì khi chuyển đến viện, có thể cứu được trẻ sống nhưng sẽ bị tổn thương về lâu dài, vì não thiếu ô xy không hồi phục được.

Trong đó, các ca trẻ hóc dị vật đa phần là hóc các loại hạt như: vải, nhãn, lạc, ngô, chôm chôm…Đây đa phần là những loại hạt trơn, vì thế việc đánh giá và sơ cứu ban đầu có thể cứu sống được trẻ ngay từ gia đình.

BS Toàn hướng dẫn, khi trẻ hóc dị vật, trước hết đánh giá tình trạng trẻ, nếu trẻ tỉnh táo, có ho thì nên khuyến khích trẻ ho, sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế. 

Nếu bệnh nhân tỉnh nhưng ho không hiệu quả thì cần vỗ lưng, ấn ngực. Trường hợp trẻ còn bé, đặt trẻ lên cánh tay, cho đầu chúi xuống sau đó vỗ lưng 5 lần xem dị vật có ra không, nếu không được thì lật ngược bệnh nhân lại rồi ấn tại vị trí ép ngực. 

Trẻ lớn hơn có thể đặt lên ghế và làm tương tự.

Bé gái Nam Định sống thực vật vì vừa đùa vừa ăn nhãn, BV Nhi Trung ương không thể chữa trị - 2
Bác sĩ hướng dẫn sơ cứu khi trẻ hóc dị vật

Nếu bệnh nhân không tỉnh hãy tiến hành đánh giá, mở thông đường thở, nghe bệnh có thở hay không. Nếu không thở cần hà hơi, thổi ngạt theo nguyên tắc hà hơi 5 lần, 15 lần ép tim.

Theo Phương Linh (Soha/Trí Thức Trẻ)