Tiểu Lâm (tên do tác giả đặt) năm nay 22 tuổi, đang vừa học vừa làm tại Giang Tô (Trung Quốc). Anh có ngoại hình kiểu thư sinh, làn da trắng sáng, dáng người cao và gầy. Tuy bản thân Tiểu Lâm hài lòng với cơ thể mình nhưng một số người xung quanh thường xuyên góp ý rằng nhìn anh hơi yếu ớt, nên chơi thể thao cho cường tráng hơn.
Sau khi đắn đo một thời gian, cuối cùng Tiểu Lâm cũng quyết định tập thể thao thật. Anh mua một chiếc xe đạp địa hình thời thượng và quyết tâm sẽ đạp xe mỗi ngày để tăng cường sức khỏe, cải thiện bề ngoài.
Ngày đầu tiên đạp xe, anh chuẩn bị rất kỹ, mua đầy đủ trang phục, mũ, găng tay chuyên dụng rồi hào hứng dắt xe ra ngoài. Tiểu Lâm đạp xe liên tục không nghỉ trong khoảng hơn 40 phút thì bắt đầu thấm mệt, quyết định trở về nhà.
Lúc này, toàn thân anh vô cùng đau nhức, đi tắm nước ấm xong vẫn không thấy đỡ. Tuy nhiên, cho rằng mới tập nên cơ bắp chưa quen, bị đau là chuyện thường, anh đành cố gắng chịu đựng. Anh gọi cơm bên ngoài để không mất thời gian nấu nướng rồi đi ngủ rất sớm, nghĩ rằng ngày mai sẽ ổn hơn.
Tuy nhiên, cơn đau ngày 1 dữ dội, nhất là vùng bụng khiến anh không tài nào ngủ nổi. Khi đi vệ sinh, anh bất ngờ phát hiện nước tiểu của mình có màu đen, sờ vào có cảm giác giống như máu để bên ngoài không khí lâu bị thâm lại.
Hoảng hốt vô cùng, anh nén đau tự bắt taxi đến Bệnh viện nhân dân tỉnh Giang Tô. Không ngờ, bác sĩ tại phòng cấp cứu cho biết Tiểu Lâm bị chấn thương thận cấp tính, cần phải lọc máu gấp.
Sai lầm phổ biến của người trẻ khi tập thể thao
Trưởng khoa Thận và Tiết niệu Mao Huijuan là người trực tiếp điều trị cho Tiểu Lâm. Ông cho biết, nguyên nhân gây chấn thương thận chính là buổi đạp xe đầu tiên đáng nhớ kia.
Hóa ra, từ trước đến nay chàng trai trẻ này chưa từng tập luyện thể dục cũng gần như không bao giờ chơi thể thao. Khi bắt đầu tập luyện khởi động chưa kỹ, lại quá hưng phấn nên lập tức vận động quá sức. Thêm nữa, sau khi tập xong ra quá nhiều mồ hôi nhưng bù nước không đủ.
Theo ông giải thích, vận động đột ngột sau thời gian dài hoặc quá gắng sức khi vận động dẫn đến tiêu cơ vân. Lúc này sẽ giải phóng các chất như myoglobin trong cơ, vượt quá khả năng bù trừ của thận, từ đó gây tổn thương thận cấp.
Dữ liệu cho thấy cứ 10 người trưởng thành trên thế giới thì có 1 người mắc bệnh thận. Đặc biệt, rất nhiều người trẻ từ 18 - 30 tuổi gặp tình trạng chấn thương thận cấp tính khi vận động, chơi thể thao sai cách giống như Tiểu Lâm.
Trên thực tế, việc tập luyện cần từ từ để cơ thể có quá trình thích nghi. Phải khởi động kỹ, tăng độ khó từ từ và đặc biệt chú trọng vào tính đều đặn thay vì độ khó hay cường độ vận động, tuyệt đối không quá gắng sức.
Ông cũng hướng dẫn 1 cách đơn giản để tính cường độ vận động phù hợp. Thông thường nhịp tim tối đa của cơ thể con người là 220, hãy lấy nó trừ đi số tuổi của bạn và nhớ rằng nhịp tim khi tập luyện không vượt quá 80% con số đó. Ngoài ra, phải có khoảng nghỉ ngơi trong khi tập, bù nước kịp thời sau khi tập nếu bị đổ nhiều mồ hôi.
Còn với trường hợp của Tiểu Lâm, sau một tuần điều trị nội trú anh đã được xuất viện trong trạng thái khỏe mạnh hoàn toàn. Tuy nhiên, với những người từng bị chấn thương thận cấp sẽ phải tái khám để kiểm tra thường xuyên. Đây cũng là bài học quý báu cho tất cả những bạn trẻ đang tập hoặc có ý định tập thể dục, chơi thể thao trong tương lai.
2 "KHÔNG" khi tập thể dục ai cũng cần phải ghi nhớ
1. Không tập thể dục quá sức
Trung tâm Đái tháo đường John Hopkins (Mỹ) cho biết, tập thể dục quá sức có thể làm tăng nồng độ hormone adrenaline, từ đó kích thích gan giải phóng thêm glucose vào máu. Nếu không thể chuyển hóa hết lượng glucose này, chúng sẽ tích tụ trong máu và khiến lượng đường huyết tăng cao.
Bên cạnh đó, tập luyện quá độ cũng gây hại cho gan và thận. Gan là bộ phận chuyển hóa của cơ thể, khi tập quá sức sự chuyển hóa này sẽ tăng lên. Gan phải làm việc quá sức trong khi năng lượng dự trữ bị tiêu hao dẫn đến hoạt động kém, suy gan.
Tương tự, thận cũng có thể bị tổn thương do tế bào thận phải làm việc quá sức để đào thải các chất đáp ứng sự vận động. Do đó, bạn chỉ nên tập thể dục vừa sức để tăng nhịp thở, nhịp tim, tránh tập luyện tới mức kiệt sức.
2. Không tập thể dục khi bị ốm
Khi sức khỏe đang gặp vấn đề, nhiều người vẫn cố duy trì tập luyện nhưng điều này có nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Việc tập thể dục khi bị sốt sẽ làm tăng nguy cơ mất nước, khiến sốt cao hơn.
Hơn nữa, sốt còn làm giảm sức mạnh cơ bắp và sức bền của bạn, dẫn tới tăng nguy cơ chấn thương trong lúc tập luyện. Vận động quá mức khi đang bị ốm cũng làm kéo dài tình trạng bệnh và trì hoãn sự phục hồi của cơ thể.
Do đó, khi thân nhiệt trên 38°C thì không nên vận động nhiều vì bất cứ lý do gì.
PN (Nguoiduatin.vn)