Chưa có cơ sở khẳng định lây nhiễm do dùng chung bơm kim tiêm
Vài ngày qua, mạng xã hội loan truyền thông tin 1 người dân tại xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ bỗng dưng đi khám bệnh lại bị chẩn đoán nhiễm HIV, trong khi lối sống lại rất lành mạnh. Bệnh nhân trung tuổi này chủ yếu ở nhà, hiếm khi đi xa và khó có khả năng tiếp xúc với các nguồn lây nhiễm bệnh.
Bệnh nhân này nghi ngờ có khả năng lây bệnh từ việc bị dùng chung kim tiêm từ nhà một người bác sĩ tên T công tác tại Bệnh viện Đa khoa Tân Sơn, Phú Thọ. Tuy nhiên, người bác sĩ này quả quyết rằng đó là việc thất đức và không bác sĩ nào lại thực hiện việc tiêm truyền dùng chung kim tiêm như thế.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà – Nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, HIV có thể lây nhiễm qua nhiều đường khác nhau.
Trường hợp ở Phú Thọ, bác sĩ Hà cho biết cần điều tra cụ thể xem có đúng là có việc tiêm truyền chung kim tiêm hay không và có nguồn phơi nhiễm nào khác nữa không, chứ với những nghi ngờ của người dân như trên thì chưa có cơ sở.
Theo bác sĩ Hà các đường lây nhiễm HIV được cảnh báo bao gồm truyền qua đường quan hệ tình dục, từ mẹ sang con, qua đường máu (qua vết thương hở, dùng chung bơm kim tiêm)
Nói riêng về nguy cơ lây nhiễm HIV qua đường dùng kim tiêm chung, bác sĩ Hà cho biết việc dùng chung bơm kim tiêm không tiệt trùng sau mỗi lần sử dụng có thể khiến máu người được tiêm trước còn đọng trên kim tiêm đi thẳng vào mạch máu của người tiêm sau. Do đó nếu có virus HIV thì chúng sẽ lây sang người lành bệnh một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, đối tượng lây nhiễm qua đường kim tiêm chủ yếu là những người tiêm chích ma tuý. Còn trong cộng đồng thì hiếm bởi vì việc quy định sử dụng kim tiêm 1 lần trong các cơ sở y tế đã thực hiện từ lâu.
Nhiều trường hợp bỗng dưng mắc... HIV mà không tìm được nguyên nhân
Trường hợp của một thanh niên 24 tuổi, quê Thái Bình bị tiêu chảy lâu ngày không khỏi đến khi lên đến viện mới biết mình bị HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Bệnh nhân này cũng cho biết chưa từng quan hệ tình dục, không hút chích nhưng không hiểu sao mình lại mang căn bệnh thế kỷ.
Trường hợp anh Hà Văn Ch. (SN 1990, xóm Thượng, xã Đồng Ruộng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) có con đang điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương cũng như thế. Anh Ch. chỉ biết mình dương tính với HIV khi con trai anh thường xuyên tiêu chảy, viêm phổi và xét nghiệm tại Bệnh viện Nhi trung ương cháu bé nhiễm HIV. Mẹ cháu đã qua đời ngay sau đó.
Cả đời vợ chồng anh Ch. chưa ra khỏi "luỹ tre làng", là người chỉn chu chăm lo làm ăn không chơi bời, lêu lổng. Chính vì thế, anh không xác định được nguồn lây nhiễm HIV cho cả gia đình mình. Khi biết mình bị bệnh HIV anh vô cùng hoang mang và chỉ hi vọng nhờ những viên thuốc ARV anh có thể kéo dài thời gian sống của mình để nuôi con, chăm mẹ.
Thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho thấy, hiện cả nước có 90.882 trường hợp tử vong do HIV/AIDS. Từ đầu năm đến nay số trường hợp dương tính HIV mới phát hiện khoảng 3.546 ca, số tử vong khoảng 641 ca. So với cùng kỳ năm 2016, số nhiễm HIV mới giảm 11%, số bệnh nhân AIDS giảm 21%, số tử vong giảm 34%.
Về đường lây truyền, báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng chỉ rõ trong số người nhiễm HIV phát hiện mới, tỷ lệ lây qua đường tình dục chiếm 48%, qua đường máu là 33%, mẹ sang con là 3%.
Như vậy, đường tình dục vẫn đang là con đường lây truyền phổ biến nhất hiện nay. Điều này cũng cảnh báo dịch HIV đang lây lan ra cộng đồng, ngày càng trở nên khó kiểm soát.
Đáng lo ngại là theo ước tính, hiện nước ta vẫn còn khoảng 50.000 người nhiễm HIV chưa biết mình bị bệnh (chiếm 20% số người nhiễm), vô tình họ sẽ là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng do không được tư vấn và tiếp cận các dịch vụ dự phòng.
Theo Ngọc Anh (Soha/Trí Thức Trẻ)