Đôi lúc, đừng bao giờ đặt câu hỏi về chuyện tại sao không tặng người này món quà này, tặng người kia món quà kia. Quà cáp suy cho cùng cũng là cách ứng xử với một món đồ. Đương nhiên, hơn cả việc nên tặng hay không chính là chuyện tặng đúng đồ.
01
Hương là một trưởng phòng trong một công ty lớn, thu nhập rất khá. Cô lấy chồng hơn 7 năm và có cuộc sống hôn nhân vô cùng thoải mái.
Tết Nguyên Đán, trong một buổi gặp mặt bạn bè, Hương đã kể câu chuyện về việc tặng quà năm mới cho mẹ chồng. Đằng sau đó là nhiều vấn đề khiến tất cả phải xuýt xoa khen ngợi chính cô và cách dạy của mẹ cô.
Hương tặng cho mẹ chồng mình một chiếc áo khoác hàng hiệu trị giá 20 triệu đồng. Cô vốn là một người sành điệu, cập nhật thời trang. Nhiều món đồ thời trang của Hương cũng do mẹ chồng mua tặng. Tuy nhiên, chuyện Hương mua chiếc áo đắt đỏ tặng Tết cho mẹ chồng khiến nhiều người lăn tăn.
Họ đặt câu hỏi rằng vì sao chiếc áo đó không phải được tặng cho mẹ đẻ Hương mà lại tặng cho mẹ chồng? Tuy nhiên, ai cũng phải khen ngợi một điều rằng quan hệ với mẹ chồng của Hương vô cùng tốt đẹp. Khi được hỏi kinh nghiệm Hương bật cười và kể lại những kinh nghiệm trong “sự nghiệp làm dâu” như sau:
“Thật sự chuyện tặng quần áo cho mẹ chồng, đắt đỏ, thời trang chỉ là một trong những điều nhỏ nhặt thôi. Kết hôn 7 năm, điều tôi không lo lắng nhất trong cuộc hôn nhân này chính là mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu.
Đơn giản bởi chính tôi được mẹ đẻ mình dạy cho nhiều điều trước khi bước vào hôn nhân. Mẹ tôi có các yêu cầu dành cho con gái trong cách ứng xử với bố mẹ chồng. Sau nhiều năm áp dụng, tôi thấy những điều đó vô cùng chính xác.
Điều đầu tiên: Quan trọng hơn việc tiêu tiền chính là tiêu đúng.
Người ta bảo rằng tại sao tôi không tặng mẹ đẻ áo đắt đỏ. Tôi tặng, chắc gì mẹ tôi đã dùng!
Mẹ tôi rất thực tế, không thích ăn mặc sành điệu, ăn uống cũng chẳng tốn kém bao nhiêu. Vào Tết Nguyên Đán, tôi tặng mẹ một bao lì xì có 25 triệu trong đó và mua nhiều loại hạt cho mẹ. Sau một ca phẫu thuật, bác sĩ khuyên mẹ tôi nên bổ sung nhiều chất có trong các loại hạt. Tôi mua khá nhiều, toàn đồ đắt đỏ và khiến cho mẹ vô cùng hài lòng. So với quần áo hay thời trang, mẹ tôi quan trọng chuyện ăn uống nhiều hơn.
Mẹ chồng thì khác, bà có gương mặt, vóc dáng đẹp và thích ăn diện.
Khi mua một chiếc áo blazer cho mình, tôi sẽ xem rồi mua cho mẹ chồng một cái. Mẹ chồng tôi là kiểu người thà ăn bèo bọt một tí để tiết kiệm tiền cũng phải ăn mặc đẹp. Khi tôi chuẩn bị đi tham gia một sự kiện, bà nói rằng son của tôi chưa được tươi tắn và mang ra một thỏi son kem đắt đỏ, bảo tôi đánh vào. Người không cập nhật và quan tâm làm sao dám bỏ ngần ấy tiền mua son được chứ.
Mẹ vẫn mua quần áo mới, uốn tóc xoăn giả tại nhà, họp mặt bạn bè diện giày cao gót. Bởi thế khi đưa quà Tết, tôi tặng bà chiếc áo cùng phong bao lì xì 10 triệu. Bà tỏ ra vô cùng vui mừng và diện ngay vào mùng 1 Tết. Rõ ràng, đồ cần trao đúng người mới phát huy hết giá trị.
Đối với mẹ chồng, con dâu hãy tìm ra mấu chốt với việc họ thích gì. Việc tặng quà hợp ý cũng là một trong các cách thắt chặt tình cảm giữa hai bên.
02
Điều thứ hai: Kính trọng mẹ chồng nhưng tuyệt đối không nhún nhường quá mức.
Đầu tiên, mọi người nên làm rõ hai quan điểm như sau:
Mẹ chồng không phải là mẹ đẻ: Mẹ đẻ chỉ có một mà thôi. Các bạn nên suy nghĩ kỹ càng và rõ ràng quan điểm ấy, đừng nên kỳ vọng quá nhiều vào mẹ chồng.
Đối xử với mẹ chồng như mẹ đẻ: Mẹ chồng là người lớn tuổi, phép lịch sự cần có đủ, sự quan tâm, chăm sóc cũng phải có đủ. Các bạn nên học cách nói những lời tốt đẹp hoặc quan tâm họ đôi chút.
Tôi không bao giờ muốn tranh chấp với mẹ chồng. Tất cả mọi việc cái gì có thể bỏ qua được hay chiều ý thì tôi đều làm theo. Tuy nhiên, nếu như chuyện quá quắt hết mức thì tôi sẽ kiên quyết giữ vững quan điểm.
Con dâu cũng đừng nên vì xu nịnh mà nhất nhất theo ý mẹ chồng, về lâu về dài, bạn sẽ tự làm mất dần quan điểm của mình. Sau này, đôi lúc “khó sống” bạn cũng chẳng dám phản kháng, đến lúc đó mối quan hệ giữa cả hai rất có thể trở nên xấu tệ đi.
Phụ nữ nên nắm chắc một điều rằng với quan hệ mẹ chồng nàng dâu, đừng bao giờ quá mức ép buộc người khác hoặc tự làm bản thân mình khó xử. Đừng vì chiều lòng mẹ chồng mà nhún nhường quá mức chính mình.
03
Điều thứ ba: Đừng diễn giải quá mức bất cứ điều gì mẹ chồng nói ra!
Nhiều nàng dâu bị suy diễn về những điều mẹ chồng nói. Điều tồi tệ là có thể họ sẽ suy diễn theo ý tiêu cực, khiến bản thân mình bị mệt mỏi, chán nản hay thậm chí ghét bỏ mẹ chồng.
Nếu như bạn diễn giải quá mức những câu nói của mẹ chồng thì tự bạn sẽ phá hỏng mối quan hệ của cả hai. Bài học ở đây là hãy sống vô tư nhất có thể với mẹ chồng mình. Đừng bao giờ suy diễn, nghĩ ngợi quá mức. Như thế sẽ khiến cho bản thân bạn tự làm khổ chính mình mà thôi.
Cũng nhờ 3 lời khuyên của mẹ mà mối quan hệ của hai mẹ con luôn luôn tốt. Suốt 7 năm, chưa lần nào tôi phải buồn lòng với chuyện mẹ chồng - nàng dâu.
Sau câu chuyện và những lời khuyên từ Hương, ai cũng thấy, với quan hệ mẹ chồng nàng dâu, điều khiến người ta cảm thấy khó để “đo đếm” nhất chính là sự “đủ” trong đó. Như thế nào để hiểu nhau vừa đủ, như thế nào để chấp nhận nhau vừa đủ!
Và nếu như hai bên hòa hợp được, thoải mái với nhau thì việc bỏ ra 20 triệu mua một chiếc áo để tặng khi bản thân con dâu có điều kiện là việc vô cùng bình thường. Nó vừa thể hiện sự quan tâm, thấu hiểu vừa là cách tri ân theo phương thức đặc biệt nhưng lại khiến mẹ chồng cảm động vô cùng.
Theo Ca Ca (Nhịp Sống Việt)