Ăn "ốc lạ", nhiều người tử vong, sống thực vật suốt đời
Tháng 5/2019, truyền thông Trung Quốc đưa tin một cậu bé 2 tuổi sống tại Phú Thiên, Phúc Kiến, Trung Quốc bỗng trở thành người sống thực vật sau khi ăn ốc. Cậu bé có tên là Tiểu Khang, sau 2-3 tiếng ăn ốc cùng ông nội, hai ông cháu bỗng cảm thấy toàn thân suy yếu và đã được gia đình đưa đi cấp cứu ngay lập tức. Người ông nội đã hồi phục, nhưng Tiểu Khang vì tuổi nhỏ nên đã phải sống thực vật suốt đời. Sau khi tìm hiểu, bác sĩ được biết loại ốc mà 2 ông cháu ăn có tên là ốc bùn răng cưa.
Thực ra, các trường hợp nhập viện cấp cứu hay tử vong vì ốc bùn răng cưa không hề hiếm. Tại Việt Nam, vào tháng 7/2018, dư luận từng xôn xao trước thông tin cô giáo H.T.S. (26 tuổi, giáo viên dạy tin học Trường THCS Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) tử vong sau khi ăn ốc. Cô giáo này được đưa đến bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn cấp cứu lúc 21h ngày 10/7 trong tình trạng tê tay chân, người tái nhợt, nói khó, mạch chậm và ngay sau đó ngưng thở, đến 23h cùng ngày thì tử vong. Theo chuyên gia, loại ốc mà cô giáo S ăn chính là ốc bùn răng cưa - loại ốc có độc tố thần kinh, liệt cơ hô hấp cực nhanh, hiện chưa có thuốc giải.
Vì sao ốc bùn răng cưa lại có thể "giết người" nhanh đến vậy?
Theo bác sĩ Vương Hậu Hưng, Phó Khoa cấp cứu của Bệnh viện nhân dân số 1 thành phố Phúc Kiến, ốc bùn răng cưa có tên khoa học là Nassarius papilosus. Loại ốc này có đặc điểm nhận dạng là một cái đuôi dài khoảng 1cm, rộng khoảng 0,5cm, bằng kích thước của ngón tay cái, vỏ ốc có 1-3 dải sọc màu nâu tím hoặc vàng đỏ.
Ốc bùn răng cưa có chứa độc tố tên là tetrodotoxin - độc hơn rất nhiều so với thạch tín, chỉ cần ăn khoảng 0,5mg cũng có thể gây tử vong. Tuy nhiên, bản thân ốc bùn răng cưa không thể sản sinh ra tetrodotoxin, mà là do chúng ăn xác chết của cá, tảo, các mảnh vụn hữu cơ độc hại. Khi ốc ăn phải những thứ này, độc tố sẽ tích tụ trong dạ dày và trở thành tetrodotoxin. Đáng nói, các phương pháp nấu ốc như xào, luộc không thể phá hủy cấu trúc của tetrodotoxin có trong ốc bùn răng cưa mà còn khiến độc tố giải phóng và tăng nguy cơ ngộ độc.
Khi bị ngộ độc ốc, nạn nhân sẽ có cảm giác tê, rát bỏng ở môi và đầu lưỡi, sau đó lan dần đến chân tay, đau bụng, đau cánh tay, nôn mửa, khó thở, hôn mê... Nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể tử vong sau 30 phút hoặc 8 giờ.
Bàn về ốc bùn răng cưa, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng cho rằng loại ốc này rất độc. Một người nặng 50kg chỉ cần ăn 2-3 con ốc là đã đủ để ngộ độc rồi tử vong. Nguy hiểm hơn, hiện tại vẫn chưa có thuốc giải độc tố cho nạn nhân ăn phải loại ốc này.
Làm sao để phòng tránh ngộ độc ốc bùn răng cưa?
PGS Thịnh khuyên mọi người không nên ăn những loại ốc lạ. Không tự ý mua hay bắt ốc lạ về ăn để tránh nguy cơ ngộ độc, tử vong. Đối với các loại sinh vật biển có tiền sử nghi ngờ có độc hoặc chưa được kiểm chứng an toàn thực phẩm thì cần tuyệt đối không ăn.
Sau khi ăn bất kỳ loại ốc biển nào nếu có dấu hiệu đau bụng, nôn mửa, khó thở, hôn mê... cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ điều trị kịp thời.
Theo Đỗ Đỗ (Helino)