Trên Tuổi trẻ, Bác sĩ Lê Xuân Thắng - nguyên là bác sĩ khoa nội tiêu hóa, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, những ngày vừa qua, khi tham gia vào nhóm tư vấn cho F0 điều trị tại nhà, đã nhận được nhiều cuộc điện thoại nhờ tư vấn với tình trạng bệnh nhân bị đau bụng, nóng rát thượng vị.
"Sau khi thăm hỏi thì được biết F0 không có triệu chứng cũng tự dùng thuốc và chia sẻ cho F1 dùng cùng để dự phòng nhiễm. Việc tự chia sẻ đơn thuốc để dùng chung như vậy rất nguy hiểm", bác sĩ Thắng chia sẻ.
Cụ thể, trường hợp gia đình chị T.N.T. (quận Hà Đông, Hà Nội) có 4 người, 1 người đã nhiễm COVID-19. Chồng chị T. nhiễm COVID-19 và điều trị tại nhà, được cán bộ phường phát túi thuốc A. Do sợ lây nhiễm nên chị T. cũng dùng gói thuốc này dù không có triệu chứng. Sau đó, chị T. xuất hiện hiện tượng đau bụng. Nhờ bác sĩ Thắng tư vấn dùng thuốc dạ dày để hỗ trợ nên tình trạng của chị T. cũng được cải thiện.
Tương tự, Infonet đưa tin, nhà anh Nguyễn Thành C. Cầu Giấy, Hà Nội cũng sử dụng thuốc ức chế virus khi mới là F1. Anh C. và vợ tiếp xúc với F0 khi đi liên hoan tân niên ở công ty. Sau khi về nhà, vì sợ mắc Covid-19 lây nhiễm cho bố mẹ già nên anh C. và vợ “tung” hết các thuốc kháng virus đã mua trước đó ra uống.
Anh C. cho biết cuối tháng 1, anh mua 4 hộp thuốc Favipiravir 400mg trên mạng với giá 1,5 triệu đồng/hộp. Khi thành F1 anh đã cho người nhà uống luôn để chặn virus từ cửa ngõ, không lo virus tấn công.
Nhìn đơn thuốc với hàng chục loại khiến bác sĩ cũng hoảng, nào là thuốc Medrol 16mg, Methylprednisolone (thuốc chống viêm corticosteroid), Paracetamol, Vitamin C và nhỏ mũi, súc họng, smecta…
Thạc sĩ, BS Nguyễn Quốc Thái –Trung tâm Bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai chia sẻ trên Infonet, có rất nhiều người mới là F1 đã hoảng loạn và tìm đủ các biện pháp chặn virus nào là xông, uống thuốc, thậm chí cả thuốc dành cho F0 có triệu chứng, F0 nặng.
Có những người đưa đơn thuốc có tới 12, 13 loại thuốc mua sẵn về nhà dùng, có người thì khi là F1 ra ngay hiệu thuốc cũng mua sẵn cho mình các gói thuốc. Nhà thuốc vì lợi nhuận cũng gói cho khách mua thuốc đủ các loại thuốc từ kháng viêm, kháng đông, vitamin, kẽm, hạ sốt, tiêu chảy, thuốc ho… Có những người đau dạ dày, mệt mỏi vì tác dụng phụ của thuốc do uống quá nhiều mà không có hiệu quả, người còn mệt mỏi hơn.
Với các thuốc kháng virus Bộ Y tế cấp phép sử dụng thì dùng hết sức thận trọng theo hướng dẫn của cơ quan y tế, không phải ai cũng dùng được và không dùng cho trẻ em.
Trước tình trạng dùng thuốc vô tội vạ của người dân thậm chí người bệnh không có triệu chứng hoặc chỉ là F1 đã sử dụng đơn thuốc có đủ thuốc gói A, gói B dẫn đến bệnh nặng hơn. Ghi nhận trên báo Tuổi trẻ, bác sĩ Lê Xuân Thắng khuyến cáo:
"F0 khi có triệu chứng hãy xin ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc, F1 chỉ cần thực hiện cách ly tốt và theo dõi sức khỏe, không cần dùng thuốc.
Các gia đình có người nhiễm COVID-19 cần bình tĩnh, không nên chia sẻ các đơn thuốc cho nhau dùng và dùng không đúng có thể gây viêm dạ dày cấp, loét, thậm chí chảy máu hoặc thủng dạ dày sau dùng corticoid hay hạ sốt, giảm đau không đúng chỉ định.
Chúng ta dự phòng bằng cách thực hiện tốt khuyến cáo 5K, ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý, có thể bổ sung thêm vitamin C, 3B".
PN (Nguoiduatin.vn)