Hồi mới quen, Tuấn thường bảo người yêu: "Sau này mình cưới nhau, em sẽ chẳng phải lo chuyện bếp núc quá nhiều. Mẹ anh là người chu đáo, chắc chắn sẽ không để em phải làm một mình. Với cả mẹ cũng là người dễ tính, em sẽ chẳng phải lo chuyện xích mích khi sống chung".
My nghe người yêu nói, trong lòng cũng mừng thầm nhưng không quên hỏi lại: "Sao mình cưới nhau không công tác trên này cho tiện". Tuấn im lặng rồi đáp lời: "Bố mẹ cũng có tuổi nên anh cũng muốn chúng mình sống ở gần để tiện phụng dưỡng. Hơn nữa anh cũng trót hứa với mẹ rằng sau này cưới vợ thì sẽ chuyển về quê làm rồi".
Lời nói của Tuấn cũng thấu tình đạt lý thế nhưng My nghe xong cũng không thoát khỏi được nỗi sợ mơ hồ. Một phần bởi cô là con gái sinh ra ở thành phố lại được bố mẹ nuông chiều nên việc bếp núc cũng không rành như những cô gái khác. Thêm vào đó, nhịp sống thành thị khiến cô lo sợ mình sẽ không nhận được sự thiện cảm của gia đình người yêu.
Ngày Tuấn dẫn cô về ra mắt, mọi việc diễn ra vô cùng suôn sẻ và tốt đẹp. Chính vì thế lúc đó cô đã nghĩ "mình nhất định sẽ gả cho người đàn ông này". Và rồi sau lần ra mắt, Tuấn không ngần ngại tổ chức một bữa tiệc hoành tráng để cầu hôn My. Thêm vào đó, hai bên gia đình tác thành chuyện hôn nhân nên đám cưới cũng nhanh chóng diễn ra chỉ sau một vài tháng chuẩn bị.
Thế nhưng ngay sau khi về chung nhà, mẹ chồng và em chồng quay ngoắt thái độ đối với My. Mọi thứ diễn ra khác hoàn toàn khác so với lần ra mắt và gặp gỡ trước đó. Mẹ chồng luôn tỏ ra thái độ muốn "dạy con dâu lại từ đầu" còn cô em chồng tai quái thì không ngừng nói những lời xỉa xói.
My không những làm gì cũng không vừa mắt bà mà dẫu có cố gắng bao nhiêu cũng bị những lời đả kích như: "Dâu thành phố ấy mà, cưới về mình còn phải hầu nó chứ nó hầu mình khối". Hay đại loại như việc mẹ chồng luôn dùng câu cửa miệng khi nói chuyện với hàng xóm về con dâu: "Thằng Tuấn lấy vợ hay lấy nợ không biết. Ngày ra mắt cũng có vẻ được mà lấy về thì mới biết là từ đầu đến chân không được điểm gì".
Nghe được những lời nói đó, My cảm thấy buồn bã và khó chịu trong lòng lắm. Thế nhưng bổn phận là một người con dâu, cô cắn răng chịu đựng tất cả những ấm ức từ nhà chồng. Hết học nấu ăn thành thạo để thành dâu đảm đang lại tối mặt tối mũi kiếm tiền để đưa cho mẹ chồng trang trải. Thế nhưng hễ tháng nào đưa lương ít một chút, mẹ chồng lại cạnh khóe bảo "chắc là lại ỉm về để biếu xén đằng ngoại".
Tuấn cũng biết vợ mình chịu nhiều thiệt thòi nên không ít lần tác động đến mẹ. Nhưng trước sau như một, bà vẫn nói: "Mẹ chẳng làm gì quá đáng cả, thấy thế nào thì nói thế ấy!". Thế rồi những lời nói động đến lòng tự trọng của My vẫn xảy ra thường xuyên trong suốt những ngày tháng làm dâu.
Đến khi mang bầu, rồi sinh đứa con gái đầu lòng. Bà không ngừng tra tấn cô bằng câu: "Đàn bà mà không biết đẻ, siêu âm con trai giờ lại sinh con gái". Tuấn thấy bất bình liền đỡ lời cho vợ: "Kìa mẹ, trai hay gái là do đàn ông chứ có phải do cô ấy đâu".
Nghe con trai nói xong, bà lại bĩu môi rồi đi vào trong nhà bảo: "Gớm cưng như cưng vàng, suốt thai kỳ hầu hạ như thế mà chẳng làm nên trò trống gì". Những lời nói tổn thương cứ thế tích tụ cho đến một ngày khi Tuấn đi làm, trận cãi vã giữa mẹ chồng nàng dâu nổ ra.
Khi nghe mẹ chồng nói: "Bố mẹ cô không dạy cô hay sao mà cô không biết điều thế này?". My không nín nhịn được nữa mà vừa sắp xếp quần áo vừa khóc rồi để lại lá thư cho chồng và lá đơn ly hôn đã ký. Sau đó cô xách vali rời khỏi nhà chồng, ôm theo đứa con chỉ vài tháng tuổi. Phía sau lưng, mẹ chồng không ngừng tru tréo ầm ĩ "cô có giỏi thì đừng bao giờ quay lại căn nhà này nữa".
My không nói gì mà cũng đi thẳng ra khỏi cổng. Đến mức cô phải đưa ra quyết định này, cô đã phải suy nghĩ rất nhiều. Vì thế cô cũng chẳng mong muốn trở lại căn nhà có bà mẹ chồng ghê gớm và người chồng không thể bảo vệ vợ ấy nữa. Cô đã có quyết định của riêng mình rồi!
Theo Linh Lan (Helino)