Một viên thuốc chứa hàng chục tỉ virus
Tin từ báo Vanguard (Nigeria), từ giữa cuối tháng 10, Cơ quan Tình báo Quốc gia Nigeria (NIA) đã ra cảnh báo đỏ với các cơ quan hữu quan nước này về chuyện một loại thuốc Trung Quốc làm từ thịt và nội tạng người có thể đang lưu hành lậu ở nước này.
Các cơ quan nhận cảnh báo là Cơ quan Hải quan Nigeria, Tổ chức Tiêu chuẩn Nigeria (SON), Cơ quan Thi hành luật về thuốc Quốc gia (NDLEA), Cơ quan Quản lý và Kiểm soát thực phẩm-dược phẩm Quốc gia (NAFDAC).
Hiện Quốc hội Nigeria đã ra lệnh điều tra vấn đề này.
Một viên thuốc chứa hàng chục tỉ virus
Theo cảnh báo của NIA, “Cơ quan Hải quan Hàn Quốc vào ngày 30-9-2018 đã tiết lộ thu giữ 2.751 viên thuốc Trung Quốc chứa các phần thi thể lấy từ bào thai, trẻ sơ sinh và thịt người, được một số công dân Trung Quốc nhập vào nước này. Các nhà sản xuất nói loại thuốc này có thể giúp tăng miễn dịch, chữa ung thư, tiểu đường và một số bệnh giai đoạn cuối. Thuốc được buôn lậu bằng đường xách tay hoặc qua đường thư tín quốc tế”.
Cơ quan Hải quan Hàn Quốc cho biết Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc đã xác định có tới 18,7 tỉ virus trong các viên thuốc này, trong đó có cả virus gây viêm gan B. Cơ quan Hải quan Hàn Quốc nhấn mạnh việc sản xuất các loại thuốc làm từ thịt người này là tội ác chống lại nhân loại, và có thể dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Trong khi đó, điều tra riêng của Nigerian Tribune cho thấy các viên thuốc được sản xuất theo dạng con nhộng, chứa bột thịt từ các thi thể trẻ sơ sinh đã chết. Loại thuốc kinh dị này được sản xuất từ khu vực Đông Bắc Trung Quốc. Theo điều tra của Nigerian Tribune thì hàng ngàn viên thuốc kinh dị này được tịch thu lần đầu ở Hàn Quốc từ năm 2012.
Tương tự như thuốc làm từ nhau thai người
Trả lời phỏng vấn báo Guardian chi nhánh tại Nigeria, Giáo sư Christiana Moji Adeyeye, Tổng Giám đốc NAFDAC, cho rằng có khả năng đây là thuốc cổ truyền sản xuất quy mô nhỏ. Lý do, cảnh báo của NIA chỉ nhắc đến con số vài ngàn viên thuốc, nhưng theo bà thì “thường chúng tôi không sản xuất ở số lượng hàng ngàn mà là hàng triệu”.
Bà Adeyeye cho biết đã liên lạc người đồng cấp ở Trung Quốc và được cho biết thuốc này được sử dụng ở Đông Nam Á trong một thời gian dài. Loại thuốc này cũng tương tự như thuốc làm từ nhau thai người. Năm 2011, Trung Quốc đã có cuộc điều tra về chuyện sản xuất thuốc làm từ các bào thai chết. Loại thuốc này được quảng bá là giúp tăng cường miễn dịch và không ít người cho là nó có thể chữa được bách bệnh.
“Khả năng đầu tiên, đây là thuốc cổ truyền. Thứ hai, nếu chúng được làm từ thịt người thì đó là pha trộn, giả mạo. Thứ ba, chúng ta phải theo dõi cẩn thận vì chúng ta chưa bao giờ đồng ý lưu hành bất cứ thứ gì giống vậy. Chúng ta phải cảnh giác hơn nữa” - bà Adeyeye nói.
Theo bà Adeyeye, điều quan trọng là “không phải cái gì tốt cho Đông Nam Á cũng tốt cho chúng ta”, và về văn hóa thì “chúng ta không phải loại người sử dụng các bộ phận con người làm thuốc”.
Bà Adeyeye cảnh báo người dân “đừng mua thuốc từ những người bán lậu bên ngoài, hãy đến nhà thuốc”. Bà cũng nhận định vì là số lượng nhỏ nên khả năng loại thuốc này sẽ được vận chuyển qua đường phát chuyển nhanh.
Trung Quốc vẫn gặp khó về kiểm soát
Guardian cho biết đã cố tiếp cận xin ý kiến của đại sứ Trung Quốc tại Nigeria nhưng không thành công. Thư ký truyền thông của vị đại sứ này, ông Wan, nói không biết gì về vụ việc, hứa khi nào có thông tin sẽ liên lạc lại với Guardian.
Nói với Guardian, chuyên gia dược phẩm Yazan Saleh ở Nigeria cho rằng “những năm gần đây có nhiều quy định được ban hành nhưng việc kiểm soát thực thi ở Trung Quốc vẫn là một thách thức”. Hơn nữa, Trung Quốc thiếu các hướng dẫn và tiêu chuẩn rõ ràng cho các nhà sản xuất thuốc.
Cũng theo ông, một lý do nữa là do số lượng công ty sản xuất thuốc ở Trung Quốc quá đông, hơn 5.000, bên cạnh đó có tới khoảng 500 công ty xuất khẩu thuốc. Nhiều công ty sản xuất thuốc quy mô nhỏ không đủ điều kiện tuân thủ các quy định, cũng có công ty lờ đi để duy trì khả năng cạnh tranh của mình.
Theo Guardian, đây không phải lần đầu sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc bị đặt vào tầm ngắm. Năm 2007, nhà chức trách Panama phát hiện một loại kem đánh răng của Trung Quốc bị phát hiện có chứa Diethylene glycol, thành phần có trong loại si rô trị ho độc hại đã giết 138 người ở Panama năm 2006.
Theo Đăng Khoa (Pháp Luật TPHCM)