Ngày 13/12, truyền thông Hàn Quốc đưa tin nữ diễn viên trong bộ phim đình đám đoạt giải Oscar Ký Sinh Trùng - Park So Dam đang bị ung thư tuyến giáp thể nhú ở tuổi 30.
Phía công ty quản lý của nữ diễn viên trẻ cho biết Park So Dam phát hiện bệnh trong một cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ và đã tiến hành phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ. Hiện nữ diễn viên 30 tuổi nghỉ ngơi một thời gian để hồi phục sức khỏe và sớm gặp lại khán giả.
Thông tin này đã khiến rất nhiều người hâm mộ lo lắng cho cô. Park So Dam sinh năm 1991, bắt đầu diễn xuất từ năm 2013. Năm 2019, danh tiếng của Park So Dam bùng nổ với vai diễn trong siêu phẩm đoạt giải Oscar - Ký Sinh Trùng.
Ung thư tuyến giáp thể nhú có nguy hiểm không?
Ung thư tuyến giáp thể nhú là dạng phổ biến nhất của ung thư tuyến giáp biệt hóa và là dạng ung thư tuyến giáp phổ biến nhất do tiếp xúc với phóng xạ. Ung thư tuyến giáp thể nhú phát sinh từ các tế bào nang, nơi sản xuất và lưu trữ các hormone tuyến giáp. Căn bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường ảnh hưởng đến những người từ 30 đến 50 tuổi.
Khi đã chuyển sang giai đoạn tiến triển, ung thư tuyến giáp thể nhú có thể xâm lấn tối thiểu hoặc xâm lấn quá mức. Trên thực tế, những khối u này có khả năng di căn xâm lấn ngoài tuyến giáp tương đối cao, có thể dễ dàng lan sang các cơ quan khác, xâm lấn vào hệ thống bạch huyết nhưng lại ít có khả năng xâm lấn vào mạch máu.
Một số vị trí xâm lấn nguy hiểm có thể kể đến như: tĩnh mạch, động mạch, khí quản hay thực quản. Một số trường hợp khối u xâm lấn nguy hiểm nên không thể điều trị triệt để được, khả năng tái phát cao, hiệu quả điều trị kém.
Hầu hết các u này là u lành và có thể loại bỏ hoặc điều trị bằng các biện pháp phẫu thuật cơ bản. Điều đáng nói là khi bệnh tái phát, khối u sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như tế bào ung thư lan ra ngoài tuyến giáp, gây ra ung thư ở những bộ phận khác nhau trên cơ thể.
Dấu hiệu ung thư tuyến giáp thể nhú
Thường thì bạn sẽ không thấy các dấu hiệu và chỉ phát hiện ra nó nhờ một cuộc kiểm tra hình ảnh hoặc, trong quá trình khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ có thể tình cờ sờ thấy một khối u trên tuyến giáp của bạn.
Khối u này có thể rắn hoặc chứa đầy chất lỏng. Chúng rất phổ biến và thường không gây ra bất kỳ rắc rối nào. Khi khối u lớn hơn, bạn có thể bắt đầu có các triệu chứng như:
- Khối u ở cổ mà bạn có thể nhìn thấy hoặc sờ thấy
- Khó nuốt (bạn có thể bị đau hoặc thấy thức ăn hoặc thuốc bị mắc kẹt)
- Đau họng hoặc khàn giọng không biến mất
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ
- Khó thở, đặc biệt là khi bạn nằm xuống
Quá trình phát triển của ung thư tuyến giáp thể nhú
Giai đoạn 1: Là giai đoạn đầu tiên nên các triệu chứng chưa biểu hiện rõ ràng. Kích thước khối u ở giai đoạn này vẫn nhỏ, chỉ chưa đến 2cm và nằm hoàn toàn trong tuyến giáp, chưa có hiện tượng xâm lấn ra bên ngoài.
Giai đoạn 2: Đến giai đoạn thứ 2, khối u đã phát triển lớn hơn tới kích thước từ 2-4 cm. Lúc này ung thư cũng không chỉ giới hạn ở tuyến giáp mà có thể lan đến một số vị trí ở gần. Vì vậy, người bệnh có thể nhận thấy một số biểu hiện như khó nuốt, đau cổ họng,…
Giai đoạn 3: Với ung thư tuyến giáp thể nhú giai đoạn 3, khối u thường có kích thước trên 4 cm. Tuy kích thước khá lớn nhưng ung thư vẫn chưa xâm lấn hệ thống bạch huyết nên cơ hội điều trị thành công vẫn khá cao. Giai đoạn này thường đi kèm các cơn đau ở cổ họng với mức độ thường xuyên hơn cũng như cảm giác khó nuốt ngày càng rõ ràng. Do đó, người bệnh cần đặc biệt lưu ý chế độ ăn uống kể từ giai đoạn này.
Giai đoạn 4: Giai đoạn 4 là giai đoạn cuối cùng của ung thư biểu mô nhú. Ở giai đoạn này, kích thước khối u tăng lên nhanh chóng. Đồng thời, ung thư cũng xâm lấn mạnh mẽ vào các hạch bạch huyết ở cổ và ngực, gây nên tình trạng di căn xương hay di căn phổi.
Ung thư tuyến giáp thể nhú nguyên nhân do đâu?
Tuyến giáp là một cơ quan nội tiết quan trọng, các nhu mô của cơ quan này đặc biệt nhạy cảm với tác động của các tia bức xạ ion hóa. Sự tiếp xúc với bức xạ ion hóa trong môi trường tự nhiên hay trong y tế đều có thể tác động đến cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp thể nhú.
Trên thực tế, nếu người bệnh từng trải qua xạ trị để điều trị ung thư vùng đầu cổ thì nguy cơ mắc phải ung thư tuyến giáp sẽ cao hơn người bình thường. Ngoài ra, các phương pháp chiếu tia bức xạ nhằm trị liệu trên da như điều trị mụn trứng cá, trị nấm da, cắt amidan và tuyến ức,… cũng có thể gây ra nguy cơ ung thư tuyến giáp.
Bên cạnh tác động của các bức xạ ion hóa, một số yếu tố dưới đây cũng được chứng minh là có liên quan đến nguyên nhân tạo thành bệnh u tuyến giáp thể nhú:
– Chế độ ăn uống thiếu hụt iốt
– Sử dụng các thuốc tránh thai qua đường uống
– Trên cơ thể có sẵn các nốt tuyến giáp lành tính
– Quá trình mãn kinh diễn ra muộn hơn bình thường
– Mang thai và sinh con muộn
– Mắc phải một số hội chứng gia đình ít phổ biến như: polyp tuyến thượng thận, bệnh Cowden hay hội chứng Gardner.
PN (Nguoiduatin.vn)