Cách phòng tránh bị bỏng da khi trời nắng cháy

28/06/2020 20:00:55

Mùa hè năm nay miền Bắc Bộ, Trung Bộ đã trải qua nhiều đợt nắng nóng với nền nhiệt độ lên cao tới 39-40 độ C. Ngoài việc bảo vệ sức khỏe cơ thể bên trong thì giữ cho làn da khỏe mạnh, tránh bị bỏng, cháy nắng cũng vô cùng quan trọng.

Th.S-bác sỹ Đặng Bích Diệp, BV Da liễu Trung ương cho biết, những người bị cháy nắng, bỏng nắng thường có biểu hiện rát đỏ vùng da hở, ngứa, thậm chí xuất hiện bọng nước. Mới đây, BV đã tiếp nhận một trường hợp bị cháy nắng, bỏng nắng nhưng vì điều trị không phù hợp nên tổn thương da càng nặng hơn.

Cách phòng tránh bị bỏng da khi trời nắng cháy
Ảnh minh họa

Điển hình là trường hợp một bệnh nhân nữ ở Hà Nội thấy rát đỏ ở vùng da hở, kèm theo ngứa rất nhiều sau khi đi tắm biển về. Thay vì đi khám, cô gái trẻ lại ra hiệu thuốc gần nhà và được tư vấn bôi thuốc acyclovair do chẩn đoán zona thần kinh. Tuy nhiên, tình trạng da không cải thiện, bệnh nhân rát đỏ hơn nhiều, tổn thương xuất hiện bọng nước. Lúc này bệnh nhân mới đến BV Da liễu Trung ương khám.

Theo BS Diệp, với mật độ tia UV cao vào những ngày trời nắng gắt thì nguy cơ gây ra tổn thương da cấp tính, dễ gặp đối với nhóm đối tượng có hoạt động công việc ngoài trời kéo dài hoặc những trường hợp bệnh nhân sau khi đi tắm nắng, đi biển về.

Bệnh nhân đến bệnh viện có biểu hiện ban đầu là cháy nắng, với các tổn thương là các mảng da ở vùng da hở tiếp xúc với ánh nắng bị đỏ, sưng tấy. Bệnh nhân cảm giác châm chích, khó chịu, ngứa ngáy, có thể gây hiện tượng lột và bong da. Trường hợp nặng hơn sau tiếp xúc từ 2-6 giờ bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, da nổi bọng nước và tổn thương trên diện rộng.

Để tránh những tổn thương do cháy nắng, bỏng nắng gây ra, người bệnh cần được làm mát ngay vùng da bị tổn thương bằng cách chườm khăn mát; ngâm mình trong nước mát lạnh để hạ nhiệt giúp cho do da hồi phục. Sau đó có thể đắp mặt nạ dưỡng ẩm làm mát.

Hoặc có thể bôi kem dưỡng ẩm làm dịu với thành phần chứa lô hội và nha đam. Trường hợp nặng hơn có thể đến bác sĩ để được kê và chỉ định các thuốc phù hợp. Hạn chế tối đa việc tiếp tục tiếp xúc với ánh nắng, che chắn tốt, phải bôi kem chống nắng, không bóc tổn thương da bong và cậy các bọng nước sẽ làm các tổn thương da khó hồi phục hơn.

Thời gian da cần để hồi phục phụ thuộc vào mức độ nặng của tổn thương, tình trạng da của người bệnh và các biện pháp chăm sóc phù hợp. Nếu không được chữa trị kịp thời, nó có thể gây hiện tượng tăng sắc tố lâu dài, chăm sóc không tốt có thể gây đến tình trạng bội nhiễm ở da.

Để tránh tình trạng cháy nắng, bỏng da trong thời tiết nắng nóng người dân hạn chế tối đa ra trời nắng từ thời gian cao điểm từ 10-14 giờ. Nếu bắt buộc phải ra ngoài nắng cần có phương pháp chống nắng tốt phù hợp như đeo khẩu trang, đội mũ nón, đeo kính râm, mặc quần áo dài tay chống nắng, bôi kem chống nắng phù hợp với loại da của mình đúng và đủ… (ngày bôi ít nhất 2 lần; số lần thoa nhiều hay ít có thể linh hoạt theo tình huống, đảm bảo trên mặt luôn có một lớp kem chống nắng. Trường hợp ra mồ hôi nhiều, sau mỗi hai giờ phải thoa kem lại; chọn loại kem chống nắng có chỉ số chống nắng phù hợp. Chỉ số chống nắng càng cao thì thời gian da được bảo vệ càng lâu. Khi ra ngoài trời, tiếp xúc ánh nắng cường độ cao, nên chọn chỉ số SPF cao…).

Đồng thời, uống đủ nước, bổ sung các loại hoa quả, nước ép trái cây, vitamin đặc biệt vitamin C, chất chống oxy hoá giúp cơ thể đề kháng tốt hơn với tia UV cũng sẽ giúp da có sức đề kháng tốt hơn..., bác sỹ Diệp khuyến cáo.