Nhiều đứa trẻ thích nói chuyện bằng nắm đấm với bạn. Hành vi bạo lực ở trẻ có thể bao gồm một loạt các hành vi: tức giận bộc phát, hung hăng thể xác, đánh nhau, đe dọa hoặc cố gắng làm tổn thương người khác… Chuyên gia tâm lý cho rằng, cha mẹ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của con cái họ.
Một môi trường gia đình an toàn nuôi dưỡng sự phát triển tình cảm tích cực và lòng tự trọng tốt sẽ có những tác động lâu dài. Kiểu giáo dục này cho trẻ cơ hội đến tuổi trưởng thành với những khả năng tâm lý đặc biệt. Mặt khác, quá trình nuôi dạy đầy biến động hoặc sang chấn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ.
Tuy nhiên, trong cách giáo dục con dưới đây, nhiều cha mẹ đang gieo rắc cách sống bạo lực cho con mà không hề hay biết:
Dùng đòn roi để phạt
Từ nhỏ, Vy chỉ cần làm sai việc gì là bị bố dùng đòn roi phạt. Nhiều lúc chỉ vì thấy con "ngứa mắt" là cũng có thể nổi điên dùng đòn roi đánh. Mải chơi, bị điểm kém hay cô giáo nhắc không tập trung trong giờ học… là về kiểu gì Vy cũng chết đòn. Có lần chỉ vì ăn chậm mà Vy bị bố tát vào mặt. Cùng vì vậy mà cô bé bạo lực hơn các bạn. Vy không biết kiềm chế cảm xúc. Chỉ cần có người giật đồ là sẵn sàng Vy nhảy vào đánh. Xu hướng sống bạo lực càng phát triển hơn khi Vy bước vào tuổi dậy thì. Thấy con không thể bảo được, mẹ của Vy mới đưa đến trung tâm tư vấn tâm lý. Chuyên gia đã chỉ ra tính cách mà Vy có được hiện giờ chính là kết quả của việc "dùng đòn roi" dạy dỗ của cha mẹ.
Chuyên gia tâm lý cho hay, bạo lực thường có mầm mống từ gia đình. Một đứa trẻ thường phải nhận hình thức kỷ luật nghiêm khắc từ phụ huynh theo kiểu "thương cho roi cho vọt" kèm lời giáo huấn hà khắc thường bị định hướng rằng mình có lỗi phải bị đòn và dễ chấp nhận bị người khác bạo hành với lý do tương tự. Đặc biệt, khi trẻ bị đánh lại không được phép la khóc hoặc bỏ chạy hiểu rằng phải nhận hết hình phạt mới được "trả giá" còn không sẽ đánh đau hơn, nhiều hơn.
Việc đánh đập vô tình gieo vào đầu con suy nghĩ có thể giải quyết vấn đề bằng bạo lực. Mâu thuẫn với người nào, nếu lượng đủ sức nó sẽ có phản xạ đánh người đó. Điều này chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng bạo lực học đường. Ngay cả những đứa trẻ chưa từng bị người thân đánh mắng nhưng thường xuyên chứng kiến việc "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" để giải quyết mâu thuẫn cũng ngộ nhận chỉ bạo lực mới giải quyết được.
Hành vi của cha mẹ với nhau
Nghiên cứu cho thấy rằng hành vi của cha mẹ với nhau có ảnh hưởng mạnh mẽ với trẻ. Cha mẹ có hành vi bắt nạt rất có thể sẽ nuôi dạy những đứa trẻ bị bắt nạt. Những bậc cha mẹ hống hách, thích kiểm soát và gây hấn ở nhà có thể sẽ truyền cho con cái họ những hành vi này. Cha mẹ là những người đầu tiên có ảnh hưởng chính đến con mình.
Trong suốt những năm phát triển, trẻ em dành phần lớn thời gian dưới ảnh hưởng nặng nề của cha mẹ. Chúng tiếp thu các mẫu hành vi từ cha mẹ một cách có ý thức hoặc vô thức. Trẻ có xu hướng bạo lực khi lớn lên khi chúng từng là nạn nhân của bắt nạt hoặc thường xuyên chứng kiến hành vi bạo lực.
Cho tiếp xúc với bạo lực trên các phương tiện truyền thông
Việc để trẻ tiếp xúc với internet, xem tivi có chừng mực là một điều tốt. Nhưng nhiều gia đình không kiểm soát con tiếp cận các ấn phẩm báo chí, sách, truyện tranh, video clip, hình ảnh mang tính bạo lực. Họ buông lỏng việc con dùng internet, tạo cơ hội cho trẻ chịu ảnh hưởng từ phim ảnh, trò chơi điện tử có tính bạo lực trên mạng xã hội.
Bất kỳ cử chỉ, lời nói hoặc hành vi nào có tính chất hung hăng hoặc rõ ràng đều sẽ để lại dấu vết của nó. Nó sẽ thay đổi hành vi của trẻ và thậm chí để lại ấn tượng trong não bộ của trẻ. Điều này gieo rắc cách sống bạo lực vào tâm hồn của trẻ mà nhiều khi cha mẹ không để ý.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, cha mẹ cần có mối quan hệ tôn trọng, tin cậy, bình đẳng và trong cách giáo dục con cần biết lắng nghe con. Việc cha mẹ vun đắp cho con kỹ năng sống để khi bị bắt nạt biết dùng lời nói, hành động tự vệ hay đừng kiểm soát con khắt khe, dùng đòn roi… chính là cách để con tránh dùng bạo lực.
Theo Phương Thuận (Giadinh.net.vn)