Năm 1983, Nina Martinez nhiễm HIV khi mới 6 tuần tuổi do truyền máu. Khi ấy, các ngân hàng máu tại Mỹ chưa quy định xét nghiệm virus trong máu.
36 năm trôi qua, Martinez trở thành chuyên gia tư vấn y tế cộng đồng. Mang virus căn bệnh thế kỷ, cô vẫn giữ tinh thần lạc quan và mong cộng đồng thay đổi suy nghĩ về HIV.
"Tôi chính là bằng chứng cho thấy bạn có thể sống cả đời với HIV", Martinez chia sẻ.
Ngày 25/3, Martinez đi vào lịch sử khi trở thành người nhiễm HIV còn sống đầu tiên hiến thận trên thế giới. Người nhận thận của Martinez cũng dương tính với virus.
Bác sĩ Dorry Segev, giáo sư Đại học Johns Hopkins là bác sĩ phẫu thuật cho Martinez. Ông cho biết ca hiến tạng này là bước tiến đáng mừng trong chăm sóc y tế cho người nhiễm HIV. Trước năm 2013, Mỹ không cho phép bệnh nhân HIV hiến tạng bởi lo ngại virus và thuốc kiểm soát HIV gây tổn thương thận.
"Chúng tôi đã phải chứng minh rằng một số người nhiễm HIV đủ khỏe mạnh để trở thành người hiến thận và tiếp tục sống với quả thận còn lại", Ông Segev nói.
Trước cuộc phẫu thuật của Martinez, y văn thế giới ghi nhận khoảng 100 ca hiến tạng giữa những người nhiễm HIV, nhưng tất cả đều từ người cho đã chết. Ý tưởng về ca phẫu thuật hiến tạng giữa những người nhiễm HIV còn sống từng được đưa vào một tập của bộ phim truyền hình Mỹ "Ca phẫu thuật của bác sĩ Grey".
Martinez có ý định nghiêm túc về việc hiến thận khi bạn cô cần ghép tạng. Không may, người này đã qua đời trước khi Martinez kịp cho thận. Bộ phận của nữ chuyên gia 36 tuổi sau đó được ghép với một bệnh nhân tương thích trong danh sách chờ phẫu thuật của Bệnh viện Johns Hopkins.
Để đảm bảo ca phẫu thuật diễn ra thành công, Martinez cần đáp ứng đủ tiêu chuẩn để hiến thận bao gồm thể chất khỏe mạnh, không bị huyết áp cao, không bị tiểu đường. Tình trạng bệnh của cô được đánh giá là "kiểm soát tốt" thông qua kết quả đo lượng tế bào T và mức độ virus.
Cả người nhận lẫn người cho phải tương thích về khả năng kháng thuốc HIV. Như vậy, khi người nhận nhiễm chủng HIV mới từ bộ phận của người nhận, thuốc vẫn hiệu quả với họ.
Hiện nay, hơn một triệu người Mỹ nhiễm HIV. Đối với họ, ca phẫu thuật lịch sử của Martinez là dấu hiệu cho thấy sự kỳ thị với HIV đã giảm bớt.
Sau ca phẫu thuật, hiện cả Martinez lẫn người nhận đều hồi phục tốt. Qua câu chuyện của mình, Martinez hy vọng sẽ truyền cảm hứng để cả người âm tính lẫn dương tính với HIV đi hiến tạng khi còn sống.
"Đất nước này đang thiếu hụt nội tạng và đây là cách thức để tạo nên sự khác biệt", cô nhấn mạnh.
Theo Phương Dung (VnExpress.net)