Ca ghép bàng quang người thành công lần đầu tiên trên thế giới

21/05/2025 14:02:14

Trung tâm Y tế Ronald Reagan UCLA thuộc Đại học California, Los Angeles (UCLA) mới đây đã thực hiện thành công ca ghép bàng quang người đầu tiên trên thế giới, mở ra bước ngoặt lịch sử trong y học hiện đại.

Theo hãng tin quốc tế The Guardian, bệnh nhân Oscar Larrainzar (41 tuổi) mắc một loại ung thư hiếm gặp ở bàng quang gọi là ung thư tuyến ống niệu rốn (urachal adenocarcinoma). Trước đó, ông đã phải cắt bỏ gần như toàn bộ bàng quang và sau đó phải cắt bỏ cả hai quả thận do biến chứng của ung thư và suy thận giai đoạn cuối, dẫn đến 7 năm điều trị bằng lọc máu nhân tạo.

Ca ghép bàng quang người thành công lần đầu tiên trên thế giới
Người đàn ông 41 tuổi tên Lalanza trở thành người đầu tiên trên thế giới được ghép bàng quang thành công. Ảnh: UCLA

Thông qua hệ thống hiến tạng, ông Larrainzar được ghép một quả thận và một bàng quang hoàn chỉnh. Laranza đã trải qua ca phẫu thuật vào ngày 4/5, kéo dài 8 giờ đồng hồ tại Trung tâm Y tế Ronald Reagan UCLA do hai bác sĩ phẫu thuật là TS. Nima Nassiri và TS. Inderbir Gill thực hiện. Trình tự phẫu thuật gồm ghép thận trước, sau đó ghép bàng quang, rồi sử dụng kỹ thuật đặc biệt để kết nối hai cơ quan lại với nhau, đảm bảo khả năng bài tiết nước tiểu một cách tự nhiên.

Tình trạng của bệnh nhân ổn định sau ca phẫu thuật và ca ghép tạng thành công. Bác sĩ Nima Nassiri giải thích, hiệu quả của ca phẫu thuật có thể thấy rõ ngay lập tức. Thận mới bắt đầu sản sinh lượng lớn nước tiểu, chức năng thận cải thiện rõ rệt và không cần tiếp tục lọc máu sau phẫu thuật. Nước tiểu cũng được dẫn xuống bàng quang mới một cách bình thường.

Tuy vậy, bác sĩ cũng cho biết, hiện vẫn còn một số yếu tố chưa thể tiên lượng chính xác, bao gồm khả năng hoạt động lâu dài của bàng quang được ghép và mức độ sử dụng thuốc ức chế miễn dịch cần thiết để ngăn chặn phản ứng thải ghép.

Ca ghép bàng quang người thành công lần đầu tiên trên thế giới - 1
Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 8 giờ đồng hồ. Ảnh: UCLA

Trước đây, việc ghép bàng quang người chưa từng được thực hiện thành công, phần lớn do cấu trúc mạch máu vùng chậu phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật phẫu thuật cực kỳ cao. Theo bác sĩ Gill, trước khi có ca ghép này, những bệnh nhân không có bàng quang phải sử dụng ruột non để tạo bàng quang nhân tạo hoặc mang túi thông tiểu ngoài cơ thể. Cả hai giải pháp này đều tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng đường tiết niệu cũng như ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống lâu dài.

Với thành công này, nhóm nghiên cứu tại UCLA hy vọng có thể mở ra hướng điều trị mới cho hàng ngàn bệnh nhân trên toàn thế giới đang mắc các bệnh lý nghiêm trọng về bàng quang, như ung thư, dị tật bẩm sinh hoặc tổn thương do chấn thương. Ca phẫu thuật không chỉ đánh dấu một kỳ tích y học đầu tiên trong lịch sử mà còn đem lại niềm hy vọng sống cho nhiều bệnh nhân từng tưởng rằng không còn lựa chọn điều trị tối ưu.

Theo Băng Tâm (SHTT)