Đời người chỉ có 1 lần cưới xin nên tâm lý ai cũng muốn lo cho đám cưới của mình thật rình rang, long trọng. Anh chàng trong câu chuyện dưới đây cũng vậy, không tiếc tiền đầu tư chi gần năm trăm triệu cho lễ kết hôn của mình. Tới đêm tân hôn, anh mãn nguyện nghĩ đã cưới được cô gái trong mộng về gắn bó cả đời thì lại chết sững với tình huống xảy ra sau đó.
Câu chuyện của chàng trai như sau: "33 tuổi chưa có 1 mảnh tình vắt vai, mặc dù gia đình tôi thuộc hiện có điều kiện, bản thân tôi cũng là người kiếm ra tiền. Thấy con trai mãi chưa chịu lấy vợ, bố mẹ tôi nhờ người mai mối khắp nơi. Cho tới khi gặp H. thì tôi ưng ngay. Đặc biệt H. không chỉ có ngoại hình thu hút mà còn từng du học về nước. Cô ấy am hiểu, nói chuyện thông minh khiến tôi vô cùng ấn tượng. Vậy là chỉ sau 5 tháng qua lại hẹn hò, tôi quyết định dẫn bố mẹ tới nhà xin cưới em.
Có điều khi bố mẹ tôi vừa đặt vấn đề, nhà H. đã đưa ra màn thách cưới khiến cả nhà tôi đờ đẫn. Bố H. tuyên bố rõ rằng: 'Con tôi là con 1, học hành giỏi giang, lại đi du học về nên lấy đâu chẳng được chồng tử tế. Nhà ông bà chấp nhận mức thách cưới ấy tôi mới gả con gái, không thì thôi'.
Bố mẹ tôi nghe thông gia phán mức thách cưới 150 triệu mà sững sờ, bản thân tôi cũng nghệt mặt. Vậy nhưng sau vài ngày suy nghĩ, cân nhắc tôi vẫn chấp thuận mức thách ấy của nhà gái. Bố mẹ tôi mong có con dâu nên vui vẻ chấp thuận.
150 triệu chỉ là lễ đen bỏ tráp trao tay nhà gái còn lễ ăn hỏi, thủ tục cưới xin tôi cũng phải lo sao cho xứng tầm với đẳng cấp của 'cô vợ du học về nước'. Lo xong đám cưới, tôi tính qua cũng mất khoảng gần 500 triệu. Tuy số tiền bỏ ra không hề nhỏ nhưng tôi vẫn rất vui nghĩ miễn lấy được người con gái mình yêu, sau này gắn bỏ cả đời thì không có gì phải tiếc nuối.
Vậy mà đêm tân hôn, tôi vừa bước chân về phòng vợ đã đưa cho 1 tờ giấy trong đó ghi 1 danh sách quy tắc hôn nhân cô ấy đề ra, yêu cầu tôi tuân thủ. Thứ nhất, cô ấy lấy chồng chứ không lấy bố mẹ chồng nên sau chỉ có trách nhiệm chăm sóc tôi. Còn bố mẹ tôi, cô ấy hoàn toàn không có nghĩa vụ chăm lo. Thứ 2, cô ấy lấy chồng không phải đi làm ô sin hay giúp việc nên không có nhiệm vụ làm việc nhà. Thứ 3, cô ấy có sự nghiệp riêng, chuyện sinh con đẻ cái ít nhất 3 năm sau vợ chồng mới tính chuyện sinh nở.
Nhìn tờ giấy vợ đưa, tôi thật sự vỡ mộng về cô du học của mình. Nản không buồn muốn nghe thêm cũng không muốn đôi co với người con gái ích kỷ, hẹp hòi chỉ biết tính toán tới lợi ích bản thân như thế, tôi cười đáp: 'Yên tâm, sau này em sẽ không phải làm bất cứ việc gì em không muốn. Thậm chí là vợ anh em cũng không phải làm nữa đâu. Đám cưới của tôi với em là một sai lầm. Tôi bỏ cả đống tiền tưởng rước được vợ hiền nhưng xem ra lựa chọn của tôi đã sai'.
Tới lúc ấy H. mới tái mặt nhìn lại tôi, chắc cô ấy quen được người ta cung phụng, thấy tôi phản ứng gay gắt lại như vậy nên sốc lắm. Lúc đầu còn tưởng tôi dọa, tới khi tôi bỏ ra phòng khách nằm, H. mới mon men đi ra ngọt nhạt nhận sai, bảo có gì từ từ vợ chồng nói chuyện, bàn bạc lại. Do hai bên chưa hiểu hết nhau, cô ấy cùng cần có thêm thời gian để thích ứng với cuộc sống mới sau kết hôn.
H. xuống nước, tôi cũng mềm lòng cho cô ấy cơ hội nhưng nghĩ lại những yêu cầu và suy nghĩ của H., thực sự tôi vẫn còn rất thất vọng".
Hôn nhân luôn cần sự đồng cảm và thống nhất quan điểm, tư tưởng sống. Bởi sau kết hôn, vợ chồng phải sống và suy nghĩ trên lập trường của đối phương chứ không chỉ cho riêng bản thân mình. Do vậy cách hành xử của cô dâu trên khó tránh làm chồng cô phải thất vọng.
Theo dõi câu chuyện, nhiều người đưa ra lời khuyên cho cô dâu trên cần phải biết thay đổi suy nghĩ, hãy mở lòng mình hơn và học cách yêu thương gia đình nhà chồng. Như thế, cô sẽ có nhiều cơ hội hạnh phúc hơn.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)