Mười năm trước, Công và Mai quyết định về chung một nhà, khi đó cô 23 còn anh 25. Lấy nhau xong, đôi vợ chồng trẻ dắt díu nhau ra thành phố lập nghiệp. Lúc đó Mai làm công nhân may còn Công vừa xin chân bốc vác vừa học nghề thợ hàn. Vốn dĩ Công không hề có hứng thú với việc học nhưng Mai đã ra sức động viên để anh có thể kiếm được công việc ổn định hơn. Được nửa năm, thấy chồng đi sớm về muộn, gầy đi trông thấy vì vừa học vừa làm, cô bắt anh tập trung vào việc học, chi tiêu trong nhà dồn hết lên mấy đồng lương quèn của cô lúc bấy giờ.
Công việc vất vả nhưng cuối tuần nào Mai cũng làm thêm để có đồng ra đồng vào và đóng học cho chồng. Có hôm cô còn nhịn đói đi tăng ca nhưng không để chồng thiếu thốn thứ gì. Sau hai năm học, anh ra nghề. Lúc đầu do thiếu kinh nghiệm nên công việc của Công cũng bữa đực bữa cái. Nhưng rồi khó khăn nào cũng qua, cuối cùng anh tìm được việc tại một công ty xây dựng khá quy mô, lương thưởng khá.
Khi đã ổn định hơn thì Mai quyết định sinh con. Nhưng oái oăm thay hai đứa con lần lượt ra đời, chỉ cách nhau năm một khiến cuộc sống của họ lại gặp khó khăn. Không còn cách nào khác, Mai gửi hai đứa nhỏ đi trẻ từ khi chưa tròn một tuổi để đi làm. Nhưng chồng cô lại không hiểu mà luôn khó chịu chuyện vướng bận con cái. Anh nhiều lần bắt cô gửi con về nội cho ông bà chăm sóc để hai vợ chồng tập trung kiếm tiền cho mục tiêu mua nhà thành phố. Thương con nên cô không đành còn chồng thì kiên quyết không phụ giúp gì để Mai mệt mỏi mà nghe theo.
Nói to nói nhỏ không được, Công thậm chí còn đánh Mai chỉ vì con gái ngã nhẹ trên đường đi học về. Cuối cùng, không chịu nổi, cô đành gửi 2 con về nội cách cả trăm cây số. Xa con, đêm nào cô cũng trằn trọc mất ngủ đến gầy rộc đi còn chồng thì vẫn cứ ăn ngon ngủ kĩ, chẳng chút buồn phiền. Thậm chí anh còn nhắc vợ giờ rảnh rang con cái, hễ công ty có yêu cầu tăng ca thì đừng từ chối. Cũng muốn mau có nhà cửa ổn định để đón con nên Mai lao vào làm việc hùng hục như trâu, bất kể giờ giấc.
Sau 8 năm chắt bóp tằn tiện, vợ chồng Mai cũng mua được mái nhà nhỏ ở ngoại ô thành phố. Cứ ngỡ từ giờ có chỗ chui ra chui vào thì gia đình nhỏ sẽ hạnh phúc. Nhưng sự đời nào có dễ dàng như thế. Mua nhà xong không lâu, còn chưa kịp đón con lên thì Công bỗng thay đổi đến cả người vợ đầu ấp tay gối như Mai cũng không nhận ra.
Mai bắt đầu nhận thấy điều này từ việc chồng luôn chê mọi món ăn vợ nấu. Hôm nay anh chê mặn, mai anh chê nhạt, ngày kia thì nhăn mặt lắc đầu trong khi đó cả gần chục năm trời nay cô vẫn nấu như thế cho anh ăn. Bình thường đã thế, lúc đi ngủ Công cũng chẳng đoái hoài gì đến vợ. Cô hỏi thì anh nhấm nhẳng: "Bụng cả rổ mỡ thế kia thì ai mà không chán". Không chỉ có thế, Công còn thường xuyên về nhà muộn. Có hôm anh còn đi cả đêm không về, mặc kệ vợ gọi bao nhiêu cuộc hay lo lắng thế nào anh cũng không nghe máy. Sáng hôm sau lò dò về thì anh bảo vì hôm trước nhậu với anh em mệt quá nên ngủ lại nhà đồng nghiệp, sợ đi xe máy về nguy hiểm.
Bản năng của một người vợ mách bảo Mai rằng chồng đã có người khác bên ngoài nhưng không có bằng chứng nên cô không thể khẳng định. Rồi chuyện gì phải đến cũng đến, một ngày anh về nhà với mùi nước hoa nồng nặc, với vết son môi trên áo và với tờ đơn ly hôn. Người đàn ông đó đưa ra điều kiện để Mai có thể nuôi hai con là mọi tài sản sẽ thuộc về anh ta. Ngôi nhà mà cô đã góp bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu cô cũng có quyền được đòi. Tất nhiên, cô đã đồng ý.
Sau khi ly hôn xong xuôi, Mai đón cả hai con lên Sài Gòn, ba mẹ con trở lại cuộc sống nghèo nàn, túng bấn nơi phòng trọ. Nhưng vốn là một phụ nữ mạnh mẽ, cô lại thấy lòng mình thanh thản và đầy nghị lực hơn bao giờ hết. Mai gửi hai con đi học lại. Ngày thường cô đi làm, buổi tối và ngày nghỉ cô tranh thủ làm thêm những món ăn vặt như xoài ngâm, cóc ngâm, bò khô, cá tẩm… để đem lên công ty bán cho các đồng nghiệp. Không ngờ sự khéo tay hay làm của cô cũng có lúc được nhờ như thế. Mọi người ai cũng khen ngon, không chỉ đặt hàng ngày càng nhiều mà còn giới thiệu cho cô nhiều khách bên ngoài nên cuộc sống dần đỡ cơ cực. Hơn thế nữa, hai đứa nhỏ nhà cô cũng ngoan ngoãn và thương mẹ nên tôi luôn cảm thấy được an ủi.
Cứ tưởng mẹ con cứ thế yên ổn rau cháo qua ngày nhưng một lần nữa Mai lại hoàn toàn thất vọng vì người đàn ông đã từng là chồng cô. Anh không dừng lại ở việc bỏ vợ, bỏ con, nhẫn tâm đòi hết tài sản chung, mà còn đi bịa đặt rất nhiều điều xấu về vợ cũ. Có lần, gặp mấy người đồng hương, họ bảo thấy Công giờ đã là người giàu có, cô bồ vốn là vợ lẽ của một ông chồng già, nay "bao nuôi" anh hoàn toàn. Anh không cần đi làm, ngày ngày chỉ cùng cô ta dạo phố, vào nhà hàng sang trọng ăn đủ mọi món ngon.
Trong lần dẫn người tình về "ra mắt" họ hàng với tư cách vợ mới, Công kể với mọi người rằng Mai là "loại mẹ bỏ đi", lười biếng không chịu nuôi con mà đẩy hết về cho ông bà nội già yếu chăm sóc. Anh còn nói cô không làm tròn bổn phận dâu con, để mặc bố mẹ chồng ốm đau không thèm ngó ngàng. Trong khi đó cô mới chính là người gọi về giục ông bà lên thành phố khám cho kỹ và cũng chỉ có cô xin nghỉ làm đưa ông bà đi bệnh viện chứ anh chẳng một lần để tâm. Rồi cô vì muốn chạy theo người khác nên nhất quyết đòi ly dị.
Mai nghe kể xong cũng chỉ biết cười. Cô cứ nghĩ chồng cũ chỉ tham tiền của, vật chất, nào ngờ anh còn hèn đến vậy. Nhưng cuộc đời còn dài và cô tin vào nhân quả. Cô cũng chẳng cần thanh minh điều gì, bởi chắc chắn rằng quả báo không đến sớm thì muộn, cho đi thứ gì, người ta đều sẽ nhận về thứ ấy.
Theo Chím NF (Helino)