Sau khi có các thông tin gây hoang mang về bình giữ nhiệt Trung Quốc ở Việt Nam, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phối hợp với Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm Quốc gia lấy 8 mẫu bình giữ nhiệt để xét nghiệm: 5 mẫu lấy từ thị trường và 3 mẫu đã được công bố chất lượng sản phẩm.
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, 5 mẫu bình đang bán trên thị trường tự do vẫn bị thôi nhiễm kim loại nặng. Tuy nhiên, hàm lượng kim loại nặng bị thôi nhiễm của những bình này vẫn nằm trong giới hạn cho phép.
3 mẫu bình đã được công bố chất lượng sản phẩm có kết quả xét nghiệm không phát hiện hàm lượng kim loại nặng thôi nhiễm.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội phân tích, sở dĩ có sự khác biệt như vậy vì bình giữ nhiệt bằng inox thông thường tuân theo đúng tiêu chuẩn quy định sử dụng loại inox nào để làm. Với những loại inox đúng quy chuẩn thì khả năng thôi nhiễm kim loại nặng luôn ở dưới ngưỡng cho phép nên người dân có thể yên tâm sử dụng, an toàn cho sức khoẻ.
Tuy nhiên, bên cạnh những loại đạt đúng quy chuẩn của những cơ sở sản xuất có sự kiểm soát và đã đăng ký thì có những loại hàng trôi nổi trên thị trường chưa có kiểm định. Những loại này có thể được làm bằng loại thép inox kém chất lượng - loại dùng để làm cửa, làm tấm che chắn chứ không phải loại inox an toàn để sử dụng làm đồ uống nước, hoặc đun nấu thực phẩm. Vì thế khả năng thôi nhiễm kim loại nặng là có xảy ra.
"Nếu kim loại nặng ấy thôi nhiễm ra trong những điều kiện nhất định vượt quá ngưỡng cho phép thì có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Đặc biệt, kim loại nặng có khả năng tích luỹ rất cao. Nghĩa là có thể người tiêu dùng chưa ăn uống với hàm lượng kim loại nặng đủ để gây ra những tác động ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ dẫn đến tình trạng ngộ độc cấp tính nhận ra ngay.
Tuy nhiên, kim loại nặng tích tụ dần dần với nồng độ thấp đến một thời gian, thời điểm nhất định khi đủ mức độ sẽ tác động rất lớn đến sức khoẻ. Đặc biệt, có những kim loại có thể tích luỹ trong xương, tuỷ. Từ đó sinh ra ngộ độc kim loại nặng do thiếu máu, không sản xuất ra hồng cầu,... Nếu như không có sự chữa trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng xấu nhất là tử vong" - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh phân tích.
Hiện nay, khi thời tiết vào đông - cũng là thời điểm nhu cầu sử dụng bình giữ nhiệt của người tiêu dùng tăng cao. Trước thực trạng đó, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo những loại bình giữ nhiệt được bán trong các cửa hàng có kiểm định chất lượng, đăng ký sản phẩm, xuất xứ rõ ràng dùng tốt, tiện lợi với người tiêu dùng nhất.
"Tuy nhiên, đồng nghĩa với an toàn thì giá sản phẩm khá đắt. Những loại bán trôi nổi trên thị trường giá rẻ có giá chỉ bằng 1/3, 1/4 giá hàng chính phẩm. Vì thế đừng ham rẻ mà đổi sức khoẻ của mình" - PGS.TS Duy Thịnh nhấn mạnh.
Trước đó, Viện nghiên cứu và kiểm định chất lượng sản phẩm tỉnh Giang Tô, Trung Quốc công bố thông tin trong bình giữ nhiệt có thôi nhiễm kim loại nặng gây ung thư khi người tiêu dùng đựng các loại nước có tính axit mạnh trong đó như nước trái cây, trà...
Ngay sau đó, cơ quan chức năng Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra đồng loạt 145 mẫu bình giữ nhiệt trên thì có tới 73 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Theo Thảo Anh (Lao Động)