Sau ly hôn, không phải ai cũng đủ lý trí và khéo léo để duy trì mối quan hệ với người cũ được tốt đẹp, dù rằng quanh họ còn rất nhiều những liên hệ chung như con cái, bạn bè.
Mới đây mạng xã hội cũng chia sẻ câu chuyện của một người phụ nữ kể về chồng cũ của mình thu hút sự chú ý của nhiều người.
Chuyện của cô ấy như sau: "Mình kết hôn năm 2012, sau 4 năm chung sống, vợ chồng quyết định chia tay bởi có quá nhiều bất đồng quan điểm trong cuộc sống hôn nhân. Chồng mình tuy kiếm ra tiền nhưng gia trưởng, trong mắt anh ấy chỉ có bố mẹ, anh em còn lại suy nghĩ của vợ thế nào anh chưa từng để ý. Vì tài chính mình kiếm ra ít hơn chồng nên trong cuộc sống gia đình, chưa bao giờ anh ấy tôn trọng vợ.
Tất cả các việc lớn nhỏ trong nhà chồng mình tự định đoạt, anh ấy biếu tiền bố mẹ bao nhiêu, mua sắm gì cho anh em anh ấy những gì mình không được phép ý kiến. Nếu mình nói thì chồng tuyên bố thẳng rằng bố mẹ anh em là máu mủ ruột thịt và chỉ có 1 nên đương nhiên anh ấy phải bao bọc. Vợ bỏ người này, lấy người khác không vấn đề".
Cô kể, mỗi lần nghe chồng nói những lời bạc tình ấy, cô chạnh lòng, tủi thân rất nhiều. Có điều cô luôn nghĩ, vợ chồng không dễ gì tới được với nhau nên lúc nào cô cũng cố tìm lý do để tự động viên an ủi chính mình chấp nhận sự vô tâm, ích kỷ của chồng.
Buồn rằng chồng cô lại coi sự bao dung của vợ là điều hiển nhiên. Tất cả sự nhẫn nhịn của cô, anh đều xem đó là trách nhiệm, bổn phận của một người vợ. Cuối cùng, không thể cam chịu được, cô quyết định ly hôn.
"Năm 2016, mình chủ động yêu cầu ly dị nên chồng mình tỏ ra cay cú lắm. Anh ta vốn luôn coi mình ở bậc trên của vợ nên đương nhiên không níu kéo. Trước khi ký đơn, chồng mình còn nhìn vợ cười nhạt thách thức rằng: 'Để xem rời thằng này ra, cô sống thế nào'.
Khi đó con mình mới hơn 2 tuổi, mình được quyền nuôi con còn chồng mỗi tháng sẽ phải gửi 3 triệu phụ cấp nuôi con bé.
Ly hôn được khoảng 6 tháng thì chồng cũ của mình tái hôn, anh ta gọi điện mời nhưng thực ra là muốn để cho mình thấy là bỏ mình, anh ta lấy ngay được người khác giống như những gì đã tuyên bố trước đó.
Những ngày tháng sau, anh ta vẫn chuyển tiền phụ cấp nuôi con đúng như quy định của tòa. Thi thoảng muốn gặp con thì anh ta sẽ hẹn mình đưa con bé tới điểm nào đó để đón.
Hôm ấy chồng cũ mình đưa con đi chơi, chắc con bé kể chuyện mẹ đang nghỉ việc ở nhà, vậy là buổi tối anh ta nhắn tin cho mình: 'Lại thất nghiệp rồi à? Tôi đã nói rồi, rời tôi ra cô khó mà sống hẳn hoi được. Nếu chấp nhận làm 'cửa sau' của tôi thì tôi sẽ nghĩ tình xưa nghĩa cũ mà cưu mang. Dù sao chúng ta cũng từng là vợ chồng…'.
Đọc tin nhắn của chồng cũ, mình không đáp lại mà vào facebook chia sẻ ảnh nhà mới mua đang trong quá trình hoàn thiện nội thất kèm theo dòng trạng thái: 'Thành quả sau 5 năm được là chính mình'. Đọc dòng chia sẻ đó, nếu là bạn bè thân quen, ai cũng hiểu ngụ ý của mình là gì. Chồng cũ lập tức like nhưng không bình luận và tiếp tục nhắn tin hỏi: 'Em mới mua nhà à? Chúc mừng nhé'.
Mình chỉ thả like, không nói thêm lời nào để cho anh ta tự hiểu thái độ của mình. Từ hôm ấy, tuyệt đối chồng cũ không còn nói những giọng điệu giễu cợt hay tỏ ra thiếu tôn trọng mình nữa".
Trải qua đổ vỡ, đau thương, chính những tổn thương tình cảm sẽ khiến ý chí của phụ nữ trở nên mạnh mẽ, quyết liệt. Khi họ bao dung, nhịn nhục không có nghĩa họ yếu đuối sợ bị bỏ rơi mà đơn giản vì còn trân trọng tổ ấm mà họ đã lựa chọn cùng người đàn ông của mình. Còn khi phụ nữ đã muốn buông tay thì không gì có thể níu giữ họ.
Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)