Biến thể mới MU mà WHO đang theo dõi có khả năng lây truyền cao hơn biến thể Delta không?

02/09/2021 15:01:58

Trong lúc biến thể Delta vẫn đang khiến cho dịch COVID-19 trên thế giới phức tạp hơn thì mới đây Tổ chức Y tế thế giới WHO cho biết đang theo dõi 1 biến thể mới nữa của virus SARS-CoV-2 có khả năng kháng vaccine.

MU là biến thể đang được theo dõi thứ 5 theo WHO

Biến thể B.1.621, còn gọi là biến thể MU, đã được WHO phân loại là "biến thể đáng quan tâm" (hay đang được theo dõi) vào ngày 30/8. WHO cho biết biến thể MU chứa các đột biến có khả năng kháng vaccine, do đó cần được nghiên cứu thêm để xác nhận xem liệu nó có dễ lây lan hơn, gây tử vong hay kháng các loại vaccine và phương pháp điều trị hiện tại hay không.

Biến thể quan tâm được định nghĩa là những biến thể có những thay đổi di truyền ảnh hưởng đến một số đặc điểm của virus nhất định, bao gồm mức độ nghiêm trọng của bệnh, thoát miễn dịch, thoát chẩn đoán hoặc điều trị và khả năng lây truyền.

Theo bản tin hàng tuần của WHO về dịch COVID-19, biến thể MU "có một loạt các đột biến cho thấy các đặc tính tiềm năng thoát khỏi miễn dịch". Dữ liệu sơ bộ cho thấy nó có thể né tránh hệ thống phòng thủ miễn dịch theo cách tương tự như biến thể Beta, nhưng điều này cần được xác nhận bằng các nghiên cứu sâu hơn.

Biến thể mới MU mà WHO đang theo dõi có khả năng lây truyền cao hơn biến thể Delta không?
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Laurent Gillieron/Reuters

Biến thể MU xuất hiện lần đầu tiên ở đâu?

Biến thể MU lần đầu tiên được xác định ở Colombia vào tháng 1/2021. Kể từ đó, các trường hợp lẻ tẻ và một số đợt bùng phát lớn hơn đã được ghi nhận trên khắp thế giới. Sau khi bùng phát ở Colombia hồi đầu năm, biến thể Mu đã lan sang các quốc gia khác ở Nam Mỹ và châu Âu.

Ngoài Nam Mỹ, các trường hợp đã được báo cáo ở Anh, Châu Âu, Mỹ và Hồng Kông. Mặc dù biến thể này chiếm ít hơn 0,1% các trường hợp nhiễm Covid trên toàn cầu, nhưng nó có thể đang phát triển ở Colombia và Ecuador vởi tỉ lệ lần lượt chiếm 39% và 13% các trường hợp nhiễm COVID-19.

Biến thể MU có khả năng lây truyền cao hơn, hay khiến bệnh nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta không?

Các nhà khoa học và các quan chức y tế công cộng đặc biệt háo hức muốn biết liệu biến thể MU có khả năng lây truyền cao hơn, hay khiến bệnh nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta đang chiếm ưu thế ở hầu hết thế giới hay không. "Dịch tễ học của biến thể MU ở Nam Mỹ, đặc biệt là với sự đồng lưu hành của biến thể Delta, sẽ được theo dõi để biết những thay đổi", bản tin của WHO nêu rõ.

Biến thể mới MU mà WHO đang theo dõi có khả năng lây truyền cao hơn biến thể Delta không? - 1

Ít nhất 32 trường hợp biến thể MU đã được phát hiện ở Anh. Một báo cáo của Y tế Công cộng Anh (PHE) vào tháng 7 cho biết hầu hết các trường hợp này ở London và trong độ tuổi 20. Một số bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với MU đã được tiêm một hoặc hai liều vaccine COVID-19.

"Hiện tại, không có bằng chứng nào cho thấy biến thể MU vượt trội hay là dễ lây lan hơn so với biến thể Delta", báo cáo đánh giá rủi ro của biến thể Mu do PHE phát hành vào tháng 8 nêu rõ. Tuy nhiên, tổ chức này cũng tiếp tục cảnh báo: "Biến thể này có thể thoát khỏi hệ miễn dịch và có những thay đổi trong tương lai".

Nhật Bản phát hiện 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể MU

Bộ Y tế cho biết Nhật Bản đã xác nhận 2 trường hợp đầu tiên về biến thể MU của COVID-19 vào tháng 6 và tháng 7 trong quá trình kiểm tra tại sân bay.

Hai trường hợp này bao gồm 1 phụ nữ từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đến sân bay Narita vào cuối tháng 6 và 1 phụ nữ khác từ Vương quốc Anh đến sân bay Haneda vào đầu tháng 7. Đài truyền hình NHK dẫn lời Tổng Giám đốc Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID) Wakita Takaji cho rằng có nhiều biến thể mới đang được xác nhận, nhưng cần phải chú ý tới các biến thể có khả năng lây truyền cao hơn so với các biến thể khác.

Biến thể mới MU mà WHO đang theo dõi có khả năng lây truyền cao hơn biến thể Delta không? - 2
Sân bay Haneda của Tokyo vào tháng 8. Ảnh: BLOOMBERG

Cách bảo vệ bản thân khỏi biến thể MU

"Biến thể MU dường như không phải là một vấn đề lớn ở Mỹ vào lúc này, khi mà biến thể Delta hiện gây ra 99,1% tổng số trường hợp COVID-19. Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi MU về cơ bản giống như cách bạn tự bảo vệ mình trước các biến thể khác", Richard Watkins, bác sĩ bệnh truyền nhiễm và giáo sư nội khoa tại Đại học Y khoa Đông Bắc Ohio, nói với Health.

Theo BS Watkins, điều đó có nghĩa là bạn phải tiêm phòng đầy đủ các liều COVID-19 và tuân theo các hướng dẫn liên quan đến các mũi tiêm nhắc lại. Điều quan trọng là phải rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang ở những khu vực có mức độ lây lan COVID-19 vừa phải hoặc cao. "Và tốt nhất bạn cần tránh tới các đám đông", BS Watkins đưa ra lời khuyên.

WHO hiện tại đang theo dõi 4 biến thể "đáng lo ngại" bao gồm: Delta (biến thể được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ), Alpha (phát hiện lần đầu ở Vương quốc Anh), Beta (phát hiện đầu tiên ở Nam Phi) và Gamma (phát hiện ở Brazil).

Biến thể đáng lo ngại được định nghĩa là một chủng đột biết hoặc dễ lây lan, gây tử vong cao hơn hoặc kháng nhiều hơn với các loại vaccine và phương pháp điều trị hiện tại.

Theo TheGuardian, Japantimes, Ncbc

Theo HN (Pháp Luật & Bạn Đọc)

Nổi bật