"Biến thể dường như chưa lây lan phổ biến," phát ngôn viên WHO Margaret Harris nói, đồng thời cho biết tổ chức này chưa xếp biến thể mới vào danh sách "đáng lo ngại".
WHO cũng khẳng định họ sẽ tiếp tục theo dõi biến thể này trong bối cảnh đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp.
Biến thể mới, được giới khoa học đặt tên C.1.2, phát hiện lần đầu tại Nam Phi hồi tháng 05 và đã lan ra nhiều tỉnh thành ở nước này, đồng thời xuất hiện tại bảy nước khác.
Trong nghiên cứu công bố tuần trước, các nhà khoa học Nam Phi nêu lo ngại về biến thể bởi nó có nhiều đột biến, trong đó có những đột biến vốn được coi là giúp virus tăng khả năng lây lan và chống lại kháng thể. Nghiên cứu hiện chưa được bình xét.
Viện Quốc gia Bệnh truyền nhiễm Nam Phi hôm 30/08 đưa ra thông cáo báo chí cho biết dòng biến thể C.1.2 có bảy đột biến trước đó đã được phát hiện ở các biến thể Covid-19 gây lo ngại hoặc đáng quan tâm, bên cạnh đó cũng có những "đột biến mới".
"Dựa trên hiểu biết của chúng tôi về các đột biến trên biến thể này, chúng tôi nghi ngờ virus có thể phần nào né tránh phản ứng miễn dịch. Tuy vậy bất chấp điều này, vaccine vẫn có thể bảo vệ con người trước tình trạng bệnh nặng phải nhập viện và tử vong gây ra bởi virus," theo thông cáo.
Quan chức Maria Van Kerkhove trên Twitter cũng cho rằng biến thể chưa lây lan rộng rãi.
"Ở thời điểm hiện tại, C.1.2 dường như chưa lây lan phổ biến, tuy vậy chúng ta cần tiến hành giải mã bộ gene và chia sẻ trên toàn cầu," bà Maria Van Kerkhove viết, đồng thời bổ sung rằng khoảng 100 trình tự của biến thể này đã được xác định kể từ lần đầu phát hiện cách đây vài tháng.
Van Kerkhove bổ sung thêm rằng Delta hiện vẫn là biến thể phổ biến hơn cả, dựa trên các trình tự bộ gene đã được giải mã.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)