Theo nhiều thống kê cho thấy, căn bệnh ung thư phổi hiện chỉ nguy hiểm sau ung thư gan, rất khó phát hiện và có nguy cơ gây tử vong cao. Bệnh thường khởi phát và di căn từ nhiều nguyên nhân, nhưng thường thấy nhất vẫn do hút thuốc lá và làm việc trong môi trường độc hại… Thế nhưng vẫn có một số trường hợp ngoại lệ, điển hình như người phụ nữ 36 tuổi này.
Theo đó, cô Jing vốn là một cán bộ viên chức bình thường, hiện đang làm việc tại Trung Quốc. Trong một lần khám sức khỏe tổng quát tại đơn vị, cô phát hiện phổi mình đang có bất thường và dễ hình thành bệnh. Nhưng hiện giờ công việc đang quá bận rộn, cộng thêm chuyện gia đình nên 3 tháng sau cô mới quyết định đến bệnh viện lớn để kiểm tra.
Sau một lúc xét nghiệm, bác sĩ thông báo cô Jing đang mắc phải ung thư phổi, bệnh đang đến giai đoạn giữa và cuối nên phải nhập viện ngay. Nghe xong cô rất sốc và khóc nức nở, bởi bản thân cô luôn ăn uống và tập thể dục đều đặn, thậm chí không hút thuốc hay bị ho thì làm sao có chuyện mắc loại bệnh này được?
Nghe tới đây, hội đồng bác sĩ liền nhìn bàn tay Jing và bảo rằng, thực ra cơ thể đã "phát tín hiệu" cảnh báo từ lâu nhưng cô không chú tâm mà thôi. Theo đó, đầu ngón tay cô đang dày hơn bình thường, thậm chí sưng phồng lên trông thấy. Nhưng đáng tiếc, cô Jing vẫn cho rằng đó là bệnh vặt và sẽ tự khỏi nên không cần đi khám sớm, dẫn đến hậu quả đáng tiếc như bây giờ.
Ngón tay dùi trống là dấu hiệu ban đầu của ung thư phổi
Bác sĩ giải thích cụ thể đó là dấu hiệu mang tên ngón tay dùi trống, khiến ngón tay bị sưng phồng lên nhưng không đau, chuyển đỏ và có phần hơi nóng. Theo thống kê của tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh Quốc (Cancer Research UK), khoảng 30% người mắc ung thư phổi sẽ có dấu hiệu này, do phổi đang tổn thương khiến cơ thể bị thiếu oxy, làm chất lỏng tích tụ tại vùng móng và sưng to lên.
Nguyên nhân gây ung thư phổi thường do hút thuốc lá hoặc làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, hoặc tiếp xúc liên tục với các tia phóng xạ. Bên cạnh đó, việc hút thuốc lá thụ động, bị bệnh trầm cảm hoặc cao tuổi cũng là yếu tố thúc đẩy bệnh phát triển nhanh hơn.
Ở trường hợp của cô Jing, có lẽ nguyên nhân chính là vì tiếp xúc với khói bếp quá nhiều. Theo một nghiên cứu ở Anh cho thấy, nấu ăn ở gian bếp kém thông gió và nhiều khói có tác hại tương đương với hút 2 bao thuốc mỗi ngày. Đây là lý do giải thích tại sao rất nhiều phụ nữ mắc ung thư phổi dù không hút thuốc.
Ngoài ra, bạn cần phải đi khám ngay nếu mắc phải một trong các dấu hiệu sau:
- Bị ho kéo dài mãi không khỏi, uống thuốc cách nào cũng không hết.
- Có cảm giác khó thở, đau và tức ngực, có máu trong đờm.
- Bị sút cân không rõ lý do, khàn giọng, khó nuốt, thở khò khè, đau xương và tràn dịch màng phổi.
Làm gì để phòng tránh ung thư phổi?
Phòng ngừa ung thư luôn là biện pháp đơn giản và hữu hiệu nhất, nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh và tăng khả năng điều trị thành công. Chính vì thế, để ngăn ung thư phổi "tấn công" thì chúng ta cần phải duy trì một số cách thức như sau, bạn nên tuyên truyền và thông tin cho cả gia đình càng sớm càng tốt:
- Không hút thuốc hoặc hút thuốc lá thụ động, bởi những người tiếp xúc với khói thuốc nhiều có nguy cơ ung thư phổi cao gấp 20 lần so với người không hút. Nếu bạn chưa bao giờ hút thuốc thì đừng thử, nếu đã có con thì hãy giải thích về tác hại của thuốc lá và dặn chúng tránh xa, còn nếu bạn đang hút thì phải bỏ ngay.
- Luôn tập thể dục thường xuyên, tăng cường vận động để cải thiện chức năng phổi, bảo vệ phổi luôn khỏe mạnh.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, luôn bổ sung rau củ quả đều đặn, đặc biệt là phải duy trì cân nặng hợp lý để cơ thể dẻo dai, tăng cường đề kháng phòng ngừa bệnh tật.
- Luôn có những biện pháp tự bảo vệ bản thân khi sống và làm việc tại những nơi ô nhiễm, chẳng hạn như đeo khẩu trang thường xuyên hoặc vệ sinh phòng ốc, nhà cửa để ngăn bụi bẩn lọt vào…
Theo Minh Võ (Trí Thức Trẻ)