Từ sau khi đầy tháng 3 cô con gái thì Mai bị mẹ chồng "gửi" về nhà ngoại. Mai tâm sự đó là thời điểm mà cô cảm thấy bế tắc nhất. Mọi thứ đều quay lưng lại với cô, ngay cả Long, anh chồng đầu gối tay ấp cũng nghe lời mẹ mà bỏ rơi cô lúc khó khăn.
Long là con trai duy nhất trong nhà có 4 chị gái. Bởi vậy mà mẹ chồng luôn tạo áp lực cho Mai phải sinh bằng được "người nối dõi" thì mới sống yên ổn trong nhà được. Mai kể, ngày cô đi siêu âm biết mình mang thai 3 cô đã mừng phát khóc. Về nhà mẹ chồng hỏi một câu duy nhất: "3 trai hay 3 gái, cầu trời phật phù hộ 2 trai một gái cũng được".
Ngày Mai sinh, đón 3 cháu gái từ tay y tá là mẹ Mai chứ không phải mẹ chồng. Trở về từ bệnh viện, mẹ chồng đứng ở cửa phòng nói với giọng đủ để Mai nghe: "Cố ăn uống sang năm Chuột đẹp thì đẻ tiếp".
Mai ngậm ngùi nhớ lại chuyện cũ, những ngày cô ở cữ đúng là cực hình. Chăm 3 đứa con một lúc, mẹ đẻ chạy đi chạy lại vì bố Mai cũng ốm đau triền miên cần người chăm sóc. Mẹ chồng thì không ngó ngàng gì đến, bà bế cháu được một chút là lại nựng: "Lớn nhanh lên để mẹ còn sinh em cu cho bà".
"Mình biết tình hình sức khỏe của mình tới đâu, hiện tại vắt chân lên cổ còn không kịp chăm 3 đứa con thì sức đâu mà sinh nữa. Hơn nữa mình sinh mổ, nếu sinh tiếp không may lại sinh đôi hoặc 3 nữa thì đúng là không còn gì để nói. Nghĩ vậy nên mình nói thẳng với mẹ chồng, để bà khỏi hi vọng: 'Mẹ ơi, chắc con không thể sinh tiếp nữa đâu hoặc nếu có sinh thì cũng phải 5, 7 năm nữa. Chứ giờ các cháu còn nhỏ, sức khỏe con cũng chưa ổn định…", Mai kể đó là lần đầu tiên cô thấy mẹ chồng nổi giận đến thế, bà đặt luôn cháu xuống giường xua tay: "Chị không đẻ thì tôi tìm người khác đẻ thay chị".
Đúng ngày đầy tháng 3 đứa cháu gái, bố mẹ và anh trai, chị dâu Mai đến đông đủ, mẹ chồng cô vừa nói vừa cười: "Tôi lấy dâu về để sinh con đẻ cái nối dõi cho nhà này nhưng cháu Mai đã tuyên bố không thể làm tròn trách nhiệm ấy nên tôi đành gửi mẹ con nó về để ông bà thông gia chăm sóc giúp. Việc bên này tôi tự lo liệu được".
Mai kể: "Lúc mẹ chồng nói vậy ai cũng ngạc nhiên, bố mẹ mình tỏ ý không hiểu, còn mình thì tủi thân phát khóc. Bố mình thấy vậy thì khéo léo đồng ý xin đưa mình và cháu ngoại về. Còn chồng mình ngồi thu lu một chỗ, tuyệt nhiên không ý kiến gì".
Tính đến nay mẹ con Mai đã ở nhà ngoại được 8 tháng. Mai cũng đã xác định chẳng còn tình nghĩa gì với chồng nữa nhưng vì các con nên cô vẫn chưa làm một lá đơn ra tòa. Cách đây mấy tháng, cô về nhà chồng tìm lại sổ tiêm của các con thì chứng kiến cảnh mẹ chồng đuổi nhân tình của chồng cô khỏi nhà. Bà chửi cô ta: "Tưởng tậu được cái máy đẻ tốt, ai ngờ rước đúng con nợ, nếu chồng mày không đến đây làm loạn thì nhà tao còn bị lừa đến khi nào?".
Mẹ chồng khua chân múa tay như không hề thấy sự tồn tại của Mai, cô ngao ngán lắc đầu lái xe đi thẳng. Nửa tháng trước, chồng Mai mang đến 3 hộp sữa cho con rồi nịnh vợ vẻ quan tâm: "Em và ông bà ngoại chăm con khéo quá, phiền ông bà như thế đủ rồi, bà nội nói nhớ cháu nên anh đến đón mấy mẹ con về".
Mai bảo: "Mình ngạc nhiên trước hành động của chồng nhưng cũng vui vì anh ấy và nhà nội vẫn nghĩ đến con. Hơn nữa bố mẹ mình cũng có tuổi rồi, mình không muốn phiền ông bà quá nhiều, vì vậy nên mình quyết định đưa con về nhà chồng. Về đến nơi thì mình mới biết thì ra mọi thứ đều có nguyên nhân. Lí do chồng bỗng dưng ngọt nhạt như vậy là do mẹ anh bị tai biến nằm liệt một chỗ, cần người chăm sóc nên gọi mình về. Các chị gái của anh chỉ có thể chạy qua chạy lại vì còn phải lo việc nhà các chị".
Sau 10 ngày chăm sóc mẹ chồng liệt, bón từng thìa cơm, rửa mặt, thay bỉm, tắm giặt cho bà thì Mai được mẹ chồng nắm rịt lấy tay mà khóc: "Mẹ xin lỗi, mẹ sai rồi, đời này mẹ có lỗi với con và các cháu. Mẹ bị thế này là ông trời quả báo, mẹ chỉ không ngờ mình có phúc lấy được con dâu có lòng bao dung, nhân hậu như con mà không biết đường hưởng".
Mai cười nhẹ đáp lại mẹ chồng trước sự có mặt của cả nhà: "Con sống vì tương lai chứ không nhìn lại quá khứ, con chăm mẹ vì mẹ là mẹ của con, là bà nội của các cháu. Người dưng thì không nói, nhưng đã là mẹ - con thì tình nghĩa còn nặng lắm mẹ à! Cái được của con là cuối cùng mẹ cũng biết mẹ sai ở đâu, còn con được sống đúng với với vai trò của mình ở trong nhà chứ không phải là cái máy đẻ".
Mai kể: "Mình nói xong cả nhà ai cũng cúi đầu nói xin lỗi. Có thể nhiều người nói mình dại, đã đi rồi thì đừng bao giờ quay lại. Nhưng mình không hối hận, thậm chí mình còn vui vì từ nay gia đình được đoàn tụ, mặc dù phải chăm sóc mẹ chồng hết phần đời còn lại mình cũng an lòng và tự nguyện".
Theo Nhật Quỳnh (Trí Thức Trẻ)