Hoa là nhân viên ngân hàng. Tính cô vốn thoáng lại biết cư xử nên được mọi người quý mến. Thế nhưng chẳng may cô lại có bà mẹ chồng lúc nào cũng chỉ biết đến tiền. Với mẹ chồng Hoa, dù cô có biếu xén bao nhiêu thì vẫn là thiếu.
Hoa kể, vợ chồng cô sống ở thành phố, bố mẹ chồng ở quê với em trai chồng. Tuy vậy, tháng nào Hoa cũng gửi về tài khoản của mẹ chồng 5 triệu để bà chi tiêu sinh hoạt chung. Tháng nào chậm lương hoặc nhiều việc mà Hoa chưa kịp chuyển tiền là y như rằng mẹ chồng lại nhắn tin nhắc khéo: "28 rồi mà chưa có lương hả con, không phải vội đâu nhưng nhớ gửi cho mẹ nhé, tháng sau nhiều đám lắm con ạ!".
Biết là chẳng thể thoái thác cho ai nên Hoa luôn chuyển khoản đúng ngày cho mẹ chồng khỏi mất công "đòi". Đều như vắt chanh, từ khi về làm dâu tính đến Tết này là 4 năm, năm nào mẹ chồng cũng cậy có con dâu làm ngân hàng nên đứng ra đổi tiền mới mừng tuổi giúp mọi người.
Chẳng biết mẹ giúp những cô, dì, chú, bác nào mà năm nhiều thì 10 triệu, ít thì 6 triệu. Nhưng tuyệt nhiên chỉ có chiều nhận tiền về chứ không có chiều đưa tiền đi. Hoa cũng ngại hỏi, với lại cô nghĩ "cả năm mới có cái Tết nên thôi coi như mừng tuổi mẹ chồng số tiền ấy".
Tết này, cả nhà Hoa lục đục kéo nhau về quê chiều 28. Vì lo không có thời gian đi mua sắm nhiều nên trước đó Hoa đã dành ra 3 buổi tối đi mua hết bánh kẹo, rượu mứt và thực phẩm cho cả Tết. Chất đồ lên xe bán tải mà vẫn chật, chồng Hoa chẹp miệng: "Ở quê thiếu gì mà em phải mang vác từ đây cho khổ, chỉ sợ không có hàng tiền".
Hoa nhỏ nhẹ đáp lại: "Em sợ thế này vẫn chưa đủ đâu, kiểu gì mà chả kêu thiếu cái này, hụt cái kia".
Hoa tâm sự, đúng như những gì cô nghĩ. 1 lần vô tình nghe cuộc nói chuyện của mẹ chồng với thím dâu mà Hoa mới biết lý do sâu xa của việc bà hay đòi hỏi kinh tế. "Kệ nó chứ, chúng nó giờ còn khỏe, còn trẻ, làm ra tiền. Trước thằng cháu thím Tết nào chả đưa về cho tôi 1, 2 chục triệu, giờ có vợ rồi thì vợ nó đưa. Nuôi con lớn từng ấy để làm gì, vài triệu bạc nhằm nhò gì", nguyên văn lời mẹ chồng Hoa.
Hoa không ngờ bà lại có tư tưởng như thế. Nói không sai thì có vẻ bà có chút ghen tị vì tình cảm của anh con trai dành cho mẹ giờ lại san sẻ cho vợ. Dù thím Hoa có nói "nó lấy vợ thì phải lo cho vợ con, tương lai của nó chứ" nhưng mẹ chồng cô vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình.
Hoa bảo, ai vào mẹ chồng cũng dặn phải mừng tuổi cho "tươm", đừng để bà mất mặt vì dâu làm ngân hàng mà keo kiệt thì không hay. Vậy là hết Tết thì ví Hoa cũng "nhẵn" tiền. Tối mùng 4, cô ngao ngán lắc đầu khi cả nhà còn đúng 500 nghìn, thẻ ngân hàng thì đang trục trặc tiền chẳng rút được, ngày mai ra Hà Nội mong là xe cộ sẽ không gặp vấn đề gì.
Vậy mà mẹ chồng vẫn chưa "tha", bà vào phòng giả vờ nựng cháu: "Con Bống ra bà xem được nhiều tiền mừng tuổi không bà vay ít nào. Gớm có mấy ngày Tết thêm người mà điện nước tăng quá cơ!".
Hoa kể cô đứng hình mất 5 giây sau câu rào trước đón sau của mẹ chồng. Chắc bà nghĩ vợ chồng cô có nhiều tiền lắm. Hoa cũng thẳng thắn luôn: "Nói thật với bà Tết con tiêu nhiều quá, đến lúc cầm tiền mừng tuổi của con mà bố mẹ lại 'quay vòng' luôn, chẳng dư ra mà còn thâm vào. Giờ con còn đúng 500 nghìn để đi đường. Tiền điện nước mẹ để nhà con chuyển khoản nộp cho. Còn chỗ đồ con mua sắm Tết chắc đủ cho bà ăn cả tháng Giêng đấy ạ!".
Hoa cười kể lại: "Vừa nói mình vừa mở ví để mẹ chồng tận mắt nhìn vào. Bấy giờ bà mới ngượng nghịu ôm cháu vào lòng 'bà đùa thế mà mẹ mày cũng tưởng thật. Đây bà có mấy đồng cho Bống lên mua búp bê nhé'. Bà rút ra cho con gái mình 500 nghìn nữa mà mình không nhận".
Hoa nói cô phải đi vội chứ nhất định sẽ có ngày cô nói lý lẽ, phân tích cho mẹ chồng bỏ tư tưởng kia đi, có thế mới vui vẻ, hòa thuận lâu dài được.