A: Sao vợ ông có lắm khuyết điểm thế mà ông vẫn yêu được vậy. Khéo phải nhiều như biển Đông ấy nhờ?
B: Không, nhiều như những ngôi sao.
A: Lại còn cười! Vậy ưu điểm thì sao, chắc cũng phải nhiều ngang ngửa chứ nhỉ?
B: Ưu điểm á? Giống như mặt trời.
A: Thế mà ông lại chọn cô ấy làm vợ, còn sống được tận chục năm.
B: Vì khi mặt trời ló dạng, các ngôi sao sẽ biến mất...
Cuộc nói chuyện rất ngắn của 2 người đàn ông ở quán nhậu quả thật khiến tôi suy ngẫm. Bỗng nhiên tôi nhớ về cặp đôi lúc nào cũng như 2 thái cực mà mình được chứng kiến từ nhỏ tới lớn. Đó là bố mẹ tôi.
Tôi nhớ như in 1 lần bố đang tắm cho thằng cu út, vừa mới bế nó ra ngoài để mặc quần áo thì "xoảng" - âm thanh chát chúa trong bếp. Mẹ bực bội ném rổ rau xuống đất, cáu um lên nhìn bố: "Bảo ông bao nhiêu lần sửa cái cánh tủ này đi, cứ động cái là tung ra, rơi vỡ hết các thứ rồi, hôm nay khỏi phải cơm nước gì nữa".
Bố vẫn bình thản lau khô đầu cho thằng cu xong chạy vào dọn dẹp chỗ bát vỡ. Không hề cáu giận hay tỏ thái độ gì, đến bữa cơm bố còn trêu mẹ khiến mẹ phải bật cười. Ở cái tuổi của chúng tôi thời bấy giờ lúc nào cũng thấy bố hiền mà mẹ có chút "ác". Bố chẳng bao giờ đánh mắng các con, chửi mắng vợ nhưng bố lại gọi mẹ là "con sư sử bé nhỏ của anh".
Mẹ tôi là người phụ nữ đảm đang, hết lòng vì gia đình nhưng rất nóng nảy, chỉ một chút không vừa mắt cũng làm mẹ "phát điên". May mắn thay mẹ gặp được bố. Cứ khi nào mẹ nóng thì bố lạnh để không khí gia đình bớt căng thẳng. Bố bảo sự cáu giận của mẹ nguyên nhân cơ bản vẫn là xuất phát từ bố.
Mẹ biết được mặt hạn chế của mình nên sau đó lại chủ động xin lỗi bố hoặc rủ cả nhà đi chơi. Mẹ có thể mắng bố cẩu thả ngâm lẫn áo trắng và áo màu nhưng ngay hôm sau mẹ sẽ đi mua cho bố chiếc áo sơ mi mới. Trong suốt 29 năm hôn nhân, điều chị em tôi nhìn thấy là bố mẹ rất hòa thuận, không có một cuộc chiến thực sự nào được nổ ra.
Bố dạy chúng tôi: "Nhà là nơi để yêu thương, không có chỗ cho sự phải trái đúng sai". Sau này khi có gia đình tôi mới hiểu, đồng ý kết hôn với 1 người không chỉ đơn giản là lấy anh ấy mà còn lấy cả những thiếu xót, khuyết điểm của anh ấy.
Nơi tôi ở có 1 cặp vợ chồng tuần có 7 ngày thì cãi nhau đến 5 ngày. Và dường như họ cãi vã theo lịch, đó là khung 11h đêm, không cả cho hàng xóm ngủ yên. Nguyên do cũng chỉ vì anh chồng đi suốt ngày, bàng quang với vợ con và mọi công việc liên quan đến gia đình. Họ cãi nhau từ những điều nhỏ nhặt nhất.
Cô ấy nói chồng mình thay đổi dù họ mới cưới được 2 năm. Cô ấy ngây thơ cho rằng điểm xấu này của chồng trước khi kết hôn không có, mà dù chỉ là có chút chút thì bản thân cô cũng tin có gia đình rồi anh sẽ thay đổi.
Vậy đấy, phụ nữ 10 người thì đến 8 người luôn tin vào những điều chỉ có trong truyền thuyết. Anh ấy có vài khuyết điểm nhưng không sao, quan trọng anh ấy yêu mình, cưới rồi sẽ khác. Cưới xong vấn đề vẫn chưa được cải thiện, vẫn không sao, làm bố xong anh ấy sẽ khác. Rồi thì có điều kiện kinh tế anh ấy sẽ tích cực hơn... Cứ như thế toàn là phụ nữ tự huyễn hoặc mình. Bởi thực tế là "giang sơn dễ đổi bản tính khó rời".
Có bao nhiêu người tự tin vào lần đánh cược duy nhất trong cuộc đời của mình? Có bao nhiêu người đủ bản lĩnh để chấp nhận ngay từ khi đặt bút kí vào tờ hôn thú rằng lấy anh ta là sẽ chung sống trọn đời với đủ mọi tốt xấu của anh ta? Nếu bạn phát hiện có những yếu tố không ổn, ngay từ khi yêu hãy xác định rõ. Đừng hi vọng đối phương thay đổi vì bạn, dù có thay đổi đi chăng nữa thì chỉ ở thời điểm đó và không có nghĩa nó sẽ mang giá trị lâu dài.
Bạn cứ nghĩ những chiếc lá ở cùng 1 cây sẽ giống nhau, chỉ khác nhau ở kích thước nhưng sự thật lại không phải vậy. Mỗi chiếc lá có cấu tạo đường gân không hề giống nhau. Cũng như 2 người yêu nhau, dù có hợp đến mấy họ vẫn có những điểm không tương đồng.
Tình yêu đích thực là mỗi người biết chấp nhận những thiếu sót của nhau, nhìn nhận, vì đối phương mà cải thiện mình. Không có tình yêu hoàn hảo, chỉ có những người vì yêu nhau mà trở nên hoàn hảo. Nếu cầu toàn trong tình yêu, thứ bạn nhận về chỉ là tay trắng...
Theo Lạc Lạc (Nhịp Sống Việt)