Bi hài cảnh chồng tay xách nách mang sang chảnh biếu nhà nội, vợ chỉ có giỏ quà 200 nghìn biếu đằng ngoại

15/02/2018 12:00:07

Nhìn Vinh sắm sửa rất nhiều đồ đắt tiền để biếu bố mẹ anh và nhà nội mà Hằng chạnh lòng. Xem ra cô chỉ có thể mua giỏ quà 2 - 300 trăm nghìn biếu bố mẹ mình mất.

Tết, đối với Hằng là một nỗi lo, chứ không hề có vui vẻ, hân hoan. Nhất là năm nay cô bệnh tật quấn thân, làm được bao nhiêu toàn để dành chữa bệnh, thậm chí còn phải vay mượn thêm bạn bè. Lĩnh tiền thưởng cuối năm từ công ty, trang trải nợ nần xong là vừa hay hết nhẵn. Cầm chiếc ví xẹp lép, cô biết lấy gì tiêu cho cái Tết này đây?

“Tết năm nay em không có tiền góp tiêu Tết đâu, vì thế anh đừng sắm sửa gì cả!”, Hằng thẳng đuột nói với chồng. Vinh – chồng cô cau mày: “Làm ăn thế nào mà cả năm chẳng có nổi ít tiền tiêu Tết? Không sắm Tết chẳng lẽ khách khứa đến nhà mời họ nước chè suông? Thôi được, nếu em đã nói thế chúng ta sắm sửa tiết kiệm một chút, anh tạm thời bỏ tiền ra trước, ra giêng em đi làm có lương thì trả lại anh”.

Hằng thở dài, Vinh nói đúng, không sắm Tết không được. Vì thế cô gật đầu đồng ý với ý kiến của chồng. Sinh hoạt phí nhà cô tất tần tật đều cưa đôi, cô và chồng mỗi người đóng một nửa. Đấy là chi tiêu những khoản chung của gia đình, còn lại nhu cầu cá nhân mỗi người tự túc, có nhiều tiêu nhiều, mà không có thì nghỉ tiêu. Tiền sắm Tết là khoản được liệt vào việc chung của nhà, chi phí cưa đôi, qua Tết đi làm có lương Hằng cần phải trả lại chồng.

Hằng và Vinh kết hôn mới nửa năm nay, ngay sau đám cưới Vinh đã thẳng thắn tuyên bố với vợ: Tài chính trong nhà cần rõ ràng, rành mạch. Ai cũng đi làm có lương, thời đại này nam nữ lại bình đẳng, vì thế phụ nữ như Hằng phải gánh một nửa kinh tế trong nhà. Ngoài ra tiền ai người đấy giữ, tự quản lí tiền bạc và chi tiêu theo ý mình, là tiền mình vất vả kiếm ra nên chẳng có lí nào cần người khác giữ hộ hết. Hằng thấy chồng kiên quyết đành gật đầu đồng ý, dù thâm tâm cô nghĩ đã là vợ chồng đầu gối tay ấp, rành mạch quá thật sự rất dễ gây mất tình cảm.

Bi hài cảnh chồng tay xách nách mang sang chảnh biếu nhà nội, vợ chỉ có giỏ quà 200 nghìn biếu đằng ngoại
Ảnh minh họa

Từ đó, vấn đề tài chính trong nhà Hằng sẽ thế này: ai mua món gì để phục vụ chung cho cả nhà thì ghi lại, cuối tháng tổng kết rồi bổ đầu người. Những khoản quần áo, son phấn của Hằng, cũng như giày dép, thắt lưng của Hưng được xếp vào nhu cầu cá nhân, không được chia đôi phí tổn. Tiền ma chay, cưới hỏi, cỗ bàn nọ kia thì Vinh đề nghị, đằng nhà ai người đó tự bỏ tiền túi, vậy cho dễ, Hằng cũng không phản đối gì.

Thế cho nên, mặc dù là vợ chồng ngủ cùng giường ăn cùng mâm, nhưng lương thưởng Vinh cụ thể bao nhiêu Hằng không biết, anh có từng nào tiền tiết kiệm cô cũng mù tịt. Hằng chỉ biết rằng, trong nhà cô đã phân chia thành 2 tầng lớp rõ rệt: Hưng – giai cấp tư sản, còn cô – giai cấp vô sản. Đơn giản bởi lương của cô thấp hơn lương của Vinh không ít. Đồ cá nhân của cô so với đồ dùng của Vinh mà nói khác một trời một vực. Vinh mới đánh tiếng sắp tậu “bốn bánh”, còn cô vẫn lọc cọc con xe số từ hồi mới đi làm. Nghĩ mà cám cảnh!

Hằng không dám nói với gia đình sự thật cảnh sống của mình với chồng, sợ ông bà lo lắng. Thành ra ai nhìn vào cũng nghĩ cô sướng, có người chồng kiếm ra tiền. Nhìn cô mặc đồ rẻ tiền còn mắng đừng có tiết kiệm như thế, phải mua nhiều quần áo đẹp, xúng xính xinh xắn mới giữ được chồng, kẻo có đứa khác nó nẫng mất như chơi. Hằng nghe thế chỉ cười gượng. Nói thật, cô vốn chưa bao giờ ôm ấp ý định dựa vào chồng mà sống, hay cần chồng cung phụng tiền bạc, nhưng phong cách sống của Vinh thật sự khiến cô lạnh lẽo cả cõi lòng.

Cưới được mấy tháng thì Hằng bị bệnh, phải chạy chữa thuốc thang một thời gian. Khoản chi này Vinh im lặng tuyệt đối, và Hằng ngầm hiểu rằng đó là việc cá nhân của cô, chả chút liên quan đến Vinh. Vì chuyện đó mà Hằng rỗng túi, tiêu hết số tiền tiết kiệm bấy lâu nay, thành ra cô càng nghèo so với chồng.

Bi hài cảnh chồng tay xách nách mang sang chảnh biếu nhà nội, vợ chỉ có giỏ quà 200 nghìn biếu đằng ngoại - 1
Ảnh minh họa

Tết nhất, nhìn Vinh sắm sửa rất nhiều đồ đắt tiền để biếu bố mẹ và nhà nội mà Hằng chạnh lòng. Xem ra cô chỉ có thể mua giỏ quà 2 - 300 trăm nghìn biếu bố mẹ mình mất. Nhất là, Vinh thừa biết tình hình tài chính của Hằng, nhưng chẳng hề được một câu hỏi thăm, hay ngỏ ý đỡ đần cô chút ít. Đây mà là vợ chồng ư? Nói thật nhé, là đồng nghiệp hay hàng xóm láng giềng người ta còn quan tâm tới nhau những khi trái gió trở trời… Vinh là một người dưng hoàn toàn với cô thì đúng hơn!

Hằng và Vinh đến với nhau qua mai mối, cô chả dám mong đợi chồng phải yêu mình sâu nặng, nhưng đối xử với vợ như Vinh thì có lẽ là có một không hai trên đời. Qua Tết… phải… hôn nhân mà như thế này thì sống một mình chắc chắn vui vẻ và thoải mái hơn nhiều! 

Theo Giang Phạm (Helino)

Nổi bật