Từ lúc lấy nhau, gia đình Hòa vẫn không thích Đức vì theo lời mẹ và chị gái: "Nó không có chí tiến thủ, lương ba cọc ba đồng nuôi vợ con sao được".
Hòa thì không nghe gia đình, thuyết phục rằng hai vợ chồng sẽ cố gắng dần dần. Đức cũng hứa hẹn sau khi kết hôn, vợ sẽ là người tay hòm chìa khóa trong gia đình. Mức lương tuy không cao nhưng nhà cửa có sẵn rồi nên hai vợ chồng chỉ việc dọn vào ở.
Rồi Đức cũng khéo léo sang bên nhà vợ, thường xuyên phụ giúp việc bán hàng, năng mua quà cáp các kiểu để lấy lòng. Mẹ Hòa vẫn không thích nhưng thấy hai đứa rất quyết tâm nên cũng đành chịu.
Cuộc sống vợ chồng son đúng là Đức không khiến Hòa chê trách điều gì được. Hai vợ chồng được sống riêng ở một căn nhà ngoài phố, anh ân cần quan tâm vợ. Hòa lúc nào cũng khen ngợi chồng với mẹ đẻ, rồi bảo: "Đấy, mẹ thấy sự lựa chọn của con đúng đắn chưa."
Mẹ cô chẳng hùa vào cùng con gái, chỉ dặn: "Đường dài mới biết ngựa hay". Cô chỉ nguýt dài bảo mẹ khéo lo xa.
Nhưng quả là người lớn nói cấm có sai. Mọi chuyện cũng chỉ khác cho tới khi Hòa bầu. Khi đó, vì một vài trục trặc nên bảo hiểm thai sản của cô có vấn đề, tức là 6 tháng nghỉ sinh nở của cô sẽ không được một khoản trợ cấp nào.
Đức làm được có 6 – 7 triệu/ tháng, Hòa thì nhỉnh hơn chồng một chút nhưng chỉ thoải mái và dư dả khi chỉ có hai vợ chồng. Giờ một người nghỉ, gánh nặng tài chính dồn lên vai Đức khiến anh hay cáu gắt vô cớ với vợ. Thậm chí, anh chẳng động viên mà cứ trách cô không chịu kiểm tra nên mới xảy ra sai sót về bảo hiểm.
Sinh con được 3 tháng, Hòa vẫn ở nhà chăm con và gần như sống phụ thuộc vào mức lương bèo bọt của chồng. Anh dù làm giờ hành nên cũng nhàn nhưng hầu như không bao giờ anh chịu giúp đỡ vợ chăm sóc con cái và làm việc nhà.
Hễ đi làm về, anh chỉ ra ôm hôn con tí chút rồi lại đặt vào nôi, nằm vắt chân xem TV hoặc nghịch điện thoại. Vợ ở dưới bếp lúi cúi lo cơm nước, con có tỉnh ngủ khóc ré lên cũng chỉ ngồi đó, gọi với vợ lên. Hòa đang dở tay mới bảo: "Anh ngồi chơi thì dỗ con đi, em đang dở tay thái thịt."
Anh cũng ra bế con nhưng vẫn không quên gắt lên với Hòa: "Chỉ có trông con mà tới giờ mới nấu ăn. Lần sau thì làm cho sớm sớm. Làm gì cũng chậm chạp."
Cô khóc không biết bao nhiêu lần, thấy chồng vô tâm quá. Anh như biến thành con người khác từ khi cô sinh con vậy. Có lần, nhân lúc hai vợ chồng đang tình cảm, Hòa mới thủ thỉ với Đức về việc này, anh chỉ tặc lưỡi, bảo: "Việc nhà của phụ nữ, em lo đi. Chỉ có ăn với đẻ mà làm không xong, cũng than."
Cô vẫn âm thầm chịu đựng nhưng không biết cố được tới bao giờ. Hòa cũng không dám than với mẹ vì sợ bị trách mắng. Ngày xưa là cô quyết theo ý mình cho bằng được, giờ sướng khổ thì tự chịu thôi.
Nhưng cũng chẳng giấu được mãi. Hôm rồi chị gái cô tới nhà, thấy em gái bận bịu việc nhà cửa, người thì mới sinh mà đã gầy rọc đi. Chị mới gợi chuyện, Hòa tủi thân rồi bật khóc, kể hết với chị. Chị bảo: "Chắc do mày không kiếm ra tiền nữa nên nó khinh. Cái thằng thế mà tệ thật!"
Rồi chị bày cách cho Hòa để bắt chồng phải làm việc nhà, chia sẻ việc nhà với vợ. Chị xúi Hòa sẽ sang nhà phụ chị bán hàng đảm bảo lương cao hơn 7 triệu, việc nhà để cho Đức lo.
Tối đó, cô không nấu nướng nữa, tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc xinh đẹp rồi ngồi xem phim, chờ chồng về.
Đức tới nhà, hơi ngạc nhiên vì vợ nay lại rảnh rang như vậy, hỏi: "Cơm nước gì chưa mà em ngồi đấy? Lại còn ăn diện, định đi đâu à?"
Cô bình thản đáp: "Nay em không nấu, anh thích ăn gì vợ chồng mình ra ngoài ăn."
Anh ngồi lầm bầm trong miệng:"Ở nhà ăn bám, tiền thì không có mà đòi tiêu hoang."
Hòa chẳng để tâm, nói thẳng vào vấn đề: "Bấy lâu nay anh lạnh nhạt và hờ hững với mẹ con em, không phải em không biết. Chỉ là em biết thân biết phận mình đang sống nhờ vào tiền anh đưa nên vẫn cố gắng im lặng. Nay em đã có công việc mới rồi, lương tháng thấp nhất cũng có 10 triệu, hơn hẳn tiền anh kiếm được. Vậy nên, từ tuần sau, anh trông con và làm việc nhà cho em, em sẽ đi làm ngoài kiếm tiền."
Anh giãy nảy lên như đỉa phải vôi: "Em bị điên à? Đàn ông phải lo việc quốc gia đại sự, kiếm tiền trong gia đình. Anh còn công việc cơ quan, việc chăm con là của em."
Hòa đoán trước anh sẽ không đồng ý mà, nên cô tiếp tục kích: "Đàn ông là trụ cột vì họ sẽ gánh vác và lo được cho gia đình. Còn anh đi làm cũng chỉ được 7 triệu, em đi làm còn nhiều hơn thế thì chi bằng anh ở nhà trông con, em sẽ đi kiếm tiền."
Dường như động tới điểm yếu của Đức, anh có chút ngẫm nghĩ. Hòa tiếp tục tấn công: "Vậy từ mai, anh xin nghỉ ở nhà trông con. Mỗi tháng em đưa cho anh nguyên số tiền 10 triệu. Anh chỉ cần sáng dậy sớm muộn theo giờ của con, đêm con khóc thì dậy. Sáng mở mắt ra là đi pha nước, thay bỉm cho con, bế con ra tắm nắng, dỗ nó khi nó khóc, pha sữa cho con uống. Khi con ngủ thì đi giặt mấy cái quần nó ị, nó tè. Đồ của con không được giặt máy, không được dùng xà phòng, nước xả thường."
Đức cắt lời vợ rồi lắc đầu nguầy nguậy: "Eo ôi, thôi thôi em đừng nói nữa. Anh không chăm con đâu."
Hòa nhếch mép: "Đấy, anh thấy chưa? Anh mới chỉ nghe em mô tả công việc chưa đầy đủ thôi đấy. Thế tới lúc làm anh còn ám ảnh tới đâu. Đừng tưởng đi làm được vào triệu bạc mà oai. Không vướng bận con cái và việc nhà cửa, em cũng có thể kiếm được."
Đức im lặng và không nói gì. Sau hôm đó, anh chủ động giúp đỡ vợ việc nhà, có sáng còn dậy trước làm đồ ăn sáng cho vợ rồi mới đi làm. Hòa nhận ra, phụ nữ có thể không kiếm được tiền, nhưng vẫn phải cho đàn ông thấy khả năng kiếm tiền của mình để họ không khinh thường.
Theo Song Ngư NF (Helino)