Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Điện Biên, từ ngày 5/5 đến ngày 30/5, huyện Tủa Chùa ghi nhận 3 ổ dịch bệnh than thể da với 13 trường hợp mắc tại xã Mường Báng (một ổ dịch than), xã Xá Nhè (2 ổ dịch than). Hiện, huyện chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Cả 3 ổ dịch trên đều xuất phát từ trâu, bò chết không rõ nguyên nhân ở bản Pàng Dề A (xã Xá Nhè).
Ngày 2/6, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi Sở Y tế tỉnh Điện Biên và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh than trên người.
Bệnh than nguy hiểm sao?
Bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn, gặp phải ở cả người và động vật. Nguyên nhân gây ra bệnh than là do người bệnh nhiễm phải vi khuẩn than Bacillus anthracis.
Bacillus anthracis dễ tạo thành bào tử khi chúng khô. Các bào tử chống lại sự hủy hoại và có thể tồn tại được trong đất, lông động vật và da trong nhiều thập kỷ. Các bào tử có thể nhân nhanh chóng khi chúng xâm nhập vào một môi trường giàu axit amin và glucose (ví dụ mô, máu).
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) Mỹ, thông thường, bệnh than thâm nhập vào cơ thể qua da, phổi, hay hệ thống dạ dày và ruột. Tất cả các loại bệnh than cuối cùng đều có thể lan ra khắp cơ thể và gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
3 thể bệnh than tương ứng với 3 con đường lây nhiễm chính
Bệnh than nhiễm qua đường da:
Bệnh than nhiễm qua da là thể bệnh phổ biến nhất (chiếm 94-95%), và cũng ít nguy hiểm nhất. Khi chúng ta tiếp xúc với động vật bị bệnh và các chất thải của chúng, hoặc trực tiếp làm thịt những động vật bị chết do bệnh than thì bào tử vi khuẩn than có thể thâm nhập vào cơ thể người thông qua những vết xước hoặc các vết thương hở trên da. Bệnh nhân có thể đau cơ, nhức đầu, sốt, buồn nôn và nôn,...
Sự nhiễm trùng thường tiến triển từ 1 đến 7 ngày sau khi bị phơi nhiễm. Nếu không được điều trị, có tới 20% số người bị bệnh than nhiễm qua da có thể tử vong. Tuy nhiên, nếu được điều trị đúng cách, hầu như toàn bộ bệnh nhân bị bệnh than nhiễm qua da đều sống sót.
Bệnh than nhiễm qua đường tiêu hóa
Có khoảng 0,5-0,7% bệnh nhân mắc bệnh than gặp phải thể bệnh này. Nếu bạn ăn thịt sống hoặc chưa chín kỹ từ những gia súc mắc bệnh than thì nguy cơ lây nhiễm bệnh than qua đường tiêu hóa là rất cao.
Một số triệu chứng có thể gặp phải bao gồm sốt, buồn nôn, nôn ói, đau bụng, và tiêu chảy có máu, có thể gây cổ trướng, dịch ổ bụng, hoại tử ruột và nhiễm khuẩn huyết với độc tố gây tử vong.
Bệnh than nhiễm qua đường hô hấp
Đây chính là thể bệnh hiếm gặp nhưng lại nguy hiểm nhất của bệnh than với tỷ lệ tử vong lên đến 90% nếu không được điều trị kịp thời. Biểu hiện của bệnh một cách âm thầm giống cúm. Trong vài ngày, bệnh nhân có biểu hiện sốt, đau ngực và suy hô cấp cấp nặng tiến triển, tím tái, sốc và hôn mê.
Hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh than xuất hiện triệu chứng trong 1-6 ngày kể từ ngày phơi nhiễm, nhưng đối với bệnh than qua đường hô hấp, giai đoạn ủ bệnh có thể là trên 6 tuần.
Trang Mayoclinic cho biết thêm, các biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh than bao gồm:
- Cơ thể người bệnh không thể phản ứng bình thường với nhiễm trùng, dẫn đến tổn thương nhiều hệ thống cơ quan (nhiễm trùng huyết)
- Viêm màng và chất lỏng bao phủ não và tủy sống, dẫn đến chảy máu ồ ạt (viêm màng não xuất huyết) và tử vong
Phòng bệnh than thế nào?
Để phòng, chống bệnh than, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) trước đó cũng đã khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh như: Không được tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh; những người lao động thường xuyên tiếp xúc với gia súc phải trang bị ủng, găng tay, quần áo dài tay để phòng vệ; khi vùng da bị hở do vết thương, da bị tổn thưởng nên tránh tiếp xúc với gia súc; vệ sinh tay chân cơ thể bằng xà phòng ngay sau khi tiếp xúc với gia súc; khi thấy các biểu hiện nghi mắc bệnh than phải kịp thời đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị kịp thời.
Ngoài ra, hết sức lưu ý về việc sử dụng vắc xin chủng ngừa bệnh than không nên dùng cho các đối tượng: Người từng bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ sau một liều trước đó hoặc với thành phần vắc xin; phụ nữ mang thai có nguy cơ phơi nhiễm bệnh than thấp.
Tuy nhiên, vắc xin chủng ngừa bệnh than có thể được chỉ định sử dụng trong một số trường hợp, nếu nhà cung cấp vắc xin cho rằng lợi ích của việc chủng ngừa lớn hơn các rủi ro.
CDC Mỹ khuyến nghị nên tiến hành tiêm phòng bệnh than cho ba nhóm người độ tuổi từ 18 đến 65 tuổi; những người thuộc nhóm nghề nghiệp có nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn như nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với bệnh than, nhân viên xử lý động vật hoặc sản phẩm động vật, bác sĩ thú y chăm sóc động vật bị nhiễm bệnh, tiêm phòng sau phơi nhiễm…
Theo PV (Kienthuc.net.vn)