Bệnh nhân tự test nhanh tại nhà dương tính COVID-19, phải làm gì?

16/12/2021 17:52:03

Hiện có tình trạng người dân tự test nhanh COVID-19 tại nhà cho kết quả dương tính nhưng gia đình không báo y tế phường vì sợ phải đi cách ly. Trong khi đó, gia đình đó có nhà ở rộng rãi, đủ điều kiện cách ly tại nhà. Việc người dân không thông báo kết quả dương tính COVID-19 với lực lượng y tế có đúng hay không?

Bệnh nhân tự test nhanh tại nhà dương tính COVID-19, phải làm gì?
Người dân ở Hà Nội tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh: Hải Nguyễn

Phải liên hệ với y tế để được hướng dẫn

Nhiều trường hợp người dân có kết quả test nhanh dương tính với COVID-19 nhưng nhận thấy bản thân không có bệnh nền, bệnh COVID-19 cũng không có triệu chứng, vì vậy họ e ngại báo với cơ quan y tế. Nếu tự ý cách ly tại nhà như vậy có được không? Cần phải lưu ý gì? Bình thường thì bao lâu sẽ hết bệnh?... là những câu hỏi mà nhiều người dân thắc mắc.

BS Vũ Ngọc Long - Phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Đối với các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 hoặc có các triệu chứng viêm đường hô hấp phải liên hệ ngay với trạm y tế để được hướng dẫn, thăm khám, điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Long, Bộ Y tế đã hướng dẫn việc cách ly, điều trị F0 tại nhà nếu đủ điều kiện cách ly theo quy định và có xác nhận, thẩm định đủ điều kiện cách ly, điều trị của chính quyền địa phương.

"Người cách ly cần lưu ý tuân thủ nghiêm quy định phòng chống dịch, tránh lây lan cho gia đình, người thân trong khi thực hiện cách ly, điều trị tại nhà. Khi có bất kỳ dấu hiệu triệu chứng tăng nặng như khó thở, suy hô hấp, đau tức ngực… cần thông báo ngay cho y tế địa phương để được tư vấn, chuyển cách ly tại cơ sở điều trị khi cần thiết" - bác sĩ Long cảnh báo.

Trả lời về vấn đề người dân tự ý cách ly điều trị COVID-19 tại nhà, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết: "Hiện nay Hà Nội đã áp dụng điều trị cách ly theo dõi tại nhà nên người dân yên tâm, khi có vấn đề gì hoặc tự xét nghiệm dương tính với COVID-19 phải liên hệ với lực lượng y tế để được hướng dẫn cụ thể. Sẽ phải xử lý rác thải y tế riêng, rác thải sinh hoạt xử lý bình thường.

Mỗi quận, huyện sẽ phải ký hợp đồng với công ty môi trường nào đó chịu trách nhiệm xử lý việc này" - ông Tuấn nói.

Cùng với đó, theo ông Khổng Minh Tuấn, hàng xóm cũng đóng vai trò rất quan trọng cùng chính quyền địa phương phối hợp, giám sát, hỗ trợ những gia đình có F0, F1 để không tiếp xúc với người ngoài.

Ông Tuấn cũng cho rằng số ca mắc tại Hà Nội sẽ tiếp tục tăng nữa, hơn 1.000 ca/ngày chưa phải là "đỉnh" dịch mà dự kiến Hà Nội có thể lên đến vài nghìn ca/ngày.

"Tất cả kịch bản dịch COVID-19 tại Hà Nội cũng đã được lường tính cụ thể. Tuy nhiên, ở mức độ nào chúng ta sẽ xử lý mức độ đó và làm một cách phù hợp nhất"- ông Tuấn nói.

Chưa có bằng chứng cho thấy biến chủng Omicron làm giảm hiệu quả của vaccine

Chia sẻ về các thông tin về chủng COVID-19 mới Omicron, BS Vũ Ngọc Long cho biết: Hiện nay dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ngày 24.11.2021 biến chủng mới B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên ghi nhận tại Nam Phi (được đặt tên là biến chủng Omicron). Đây là nhóm biến chủng đáng quan ngại do làm tăng nguy cơ tái nhiễm, có thể né tránh miễn dịch.

Hiện nay, có nhiều bằng chứng cho thấy chủng Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn so với chủng Delta. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy biến chủng Omicron làm giảm hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 hoặc tăng các trường hợp nặng, tử vong. Dù mới xuất hiện song biến chủng Omicron đã được phát hiện ở 4 châu lục và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đến nay, đã có ít nhất 77 quốc gia và vùng lãnh thổ đã xác nhận các trường hợp biến chủng Omicron. WHO đánh giá Omicron là một biến thể đáng lo ngại và khuyến nghị các quốc gia thực hiện tăng cường giám sát và giải trình tự gene các trường hợp nhiễm; thực hiện các biện pháp y tế cộng đồng hiệu quả để giảm sự lây truyền của COVID-19 nói chung.

Theo Thùy Linh (Lao Động)

Nổi bật