Gút: Căn bệnh người già đã tấn công người trẻ
Gút (Gout) là một căn bệnh phổ biến khiến người bệnh rất đau đớn, khi bệnh phát ở mức độ cấp tính, đau đớn đến mức không thể chịu nổi, không thể di chuyển. Không những thế, sau khi bị bệnh tấn công, nếu không chú ý, rất dễ tái phát trở lại, bệnh gút tấn công lặp đi lặp lại nếu không được kiểm soát, sẽ phát triển bệnh gút mãn tính, cuối cùng thậm chí có thể dẫn đến suy thận.
Trong quá khứ, bệnh gút được gọi là bệnh của những người già, nhưng trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người trẻ bị bệnh gút. Sự trẻ hóa của bệnh gút cũng liên quan đến cấu trúc chế độ ăn uống của những người trẻ tuổi. Bởi vì, nói một cách thẳng thắn, bệnh gút là căn bệnh có cái tên ví von khác "bệnh rượu thịt" hay bệnh của những "thói quen sai lầm".
Trong nhóm những người có nguy cơ cao nhất có thể mắc bệnh gút gồm nam giới trẻ tuổi có thói quen thiếu lành mạnh, trong khi phụ nữ thì thường mắc bệnh thì đã bước vào trung niên hoặc sau mãn kinh, trừ những người bị bệnh liên quan đến suy giảm chức năng thận, suy buồng trứng.
Nếu bạn vô tình thường xuyên duy trì những thói quen sau đây, hoặc bạn thuộc 1 trong những nhóm người liên quan, khả năng rất cao là bạn sẽ có nguy cơ bị bệnh gút. Nếu duy trì trong thời gian dài mà không thay đổi hoặc không biết, bệnh gút sẽ phát triển đến mức đau đớn bạn mới nhận ra.
1, Thói quen thích ăn thịt, nhóm người ăn quá nhiều thịt
Bệnh gút thường xảy ra sau khi bạn đã có quãng thời gian ăn uống quá mức với nhiều thức ăn liên quan đến thịt, đạm động vật nói chung, ví dụ như nội tạng, hải sản. Khi bạn đã quá nhiều, gây ra quá nhiều acid uric, không có đủ thời gian để đào thải và loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể, sẽ sinh ra các triệu chứng bệnh gút.
Hoặc còn một thói quen khác chính là sở thích ăn lẩu, nếu bạn cho vào một lượng lớn các món ăn từ thịt động vật và hải sản, có người còn thích chan thêm nhiều nước lẩu trong bữa ăn, đó đều là những tác nhân khiến cho bệnh gút bùng phát.
2, Thói quen tiệc tùng rượu chè, nhóm người hay đi ăn ngoài
Cùng với nhịp sống hiện đại, nhiều người thường hay ra ngoài ăn uống, tiệc tùng và hẹn hò. Thậm chí rất nhiều người thực hiện các công việc thông qua bữa ăn ở bên ngoài, trong đó đa phần là có sử dụng rượu bia. Nhiều người không biết rằng, uống bia rượu nhiều cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh gút.
Các chuyên gia cho rằng, Ethanol thúc đẩy sự chuyển đổi các nucleotide adenine và làm tăng acid uric. Ngoài ra, quá trình oxy hóa ethanol cũng làm tăng nồng độ axit lactic trong máu, làm cho độ axit của máu giảm, và tinh thể urate kết tủa.
Khi bạn uống rượu, bạn không thể tránh xa việc ăn thịt, khi hấp thụ cùng lúc một lượng lớn vừa rượu vừa thịt, điều này có thể dẫn đến một cơn gút cấp tính.
3, Bỗng nhiên tập thể dục cường độ cao một cách đột ngột
Có những người bình thường không ưa vận động, nên các vùng xương khớp có thể đã tích tụ tinh thể urat ở một mức độ nhất định.
Hàng ngày có thể bạn sẽ không thấy bản thân có vấn đề gì, nhưng bỗng nhiên hứng lên bạn tập thể dục với cường độ cao, ngay lập tức xuất hiện việc đau mỏi khắp người. Đây có thể là lúc cơn gút tiềm ẩn lâu nay sẽ tấn công bạn bằng một trận đau cấp tính.
Do đó, bạn nên chú ý vận động đều đặn hàng ngày, đặc biệt là nhân viên văn phòng do tính chất công việc phải ngồi nhiều nên bạn cần nhớ rằng phải tập thể dục hàng ngày.
4, Nam giới béo phì, thừa cân, bụng bia
Trong số những người mắc bệnh gút, đa số là nam giới, nhiều người vẫn đang rất trẻ, họ có một điểm chung là cơ thể béo hơn so với vóc dáng chuẩn cần thiết.
Mặc dù không có chuyên gia nào khẳng định người béo sẽ bị bệnh gút, nhưng thực tế cho thấy, người béo phì sẽ mắc bệnh mỡ máu cao, đường huyết cao, acid uric cao, từ đó có thể gây bệnh gút.
5, Thói quen tham việc, con người của công việc
Hầu hết những người trẻ tuổi có rất nhiều áp lực công việc, làm việc thêm giờ và thức khuya là một thực tế rất phổ biến. Nếu bạn quá mệt mỏi, nó có thể gây ra bệnh gút. Không những thế, nếu thức khuya triền miên trong thời gian dài, căng thẳng, thể dục thể chất cũng sẽ sút giảm, sức đề kháng yếu dần đi, các triệu chứng viêm trong cơ thể sẽ sớm phát sinh và tấn công bạn.
Một số loại thực phẩm không được ăn
Khi bạn khỏe mạnh, bạn có thể ăn bất kỳ món nào, nhưng khi đã bị bệnh gút, dù ở mức độ nặng hay nhẹ, bạn vẫn cần phải áp dụng chế độ ăn nghiêm khắc để phòng ngừa và đẩy lùi bệnh tật.
Việc chú ý ăn uống cẩn thận là điều vô cùng cần thiết đối với tất cả mọi người, đặc biệt là bệnh nhân gút. Bạn cần phải hạn chế uống rượu, những món ăn có thể khiến chỉ số acid uric tăng cao, chế độ ăn giàu purine, món ăn hải sản như sò biển, bạch tuộc, cá mòi, cá thu và các loại cá khác. Các món ăn từ thịt, nội tạng, nước lẩu đặc…
Nếu như bệnh gút đã giảm nhẹ hoặc đẩy lùi, bạn vẫn cần duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, không nên tái phạm việc ăn uống xô bồ, bệnh sẽ lại tiếp tục tái phát, thậm chí ở mức độ nguy hiểm hơn.
Lời khuyên hữu ích kèm theo:
1. Uống nhiều nước.
2. Tránh làm việc quá sức và để cơ thể nhiễm lạnh.
3. Tập thể dục vừa phải.
4, Kiểm soát chỉ số acid uric, nên kiểm soát chỉ số acid uric dưới 360.
5, Kiểm soát huyết áp, mỡ máu, đường trong máu… dẫn đến các bệnh có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa acid uric máu.
6, Chú ý đến ảnh hưởng của thuốc đang sử dụng liên quan đến bài tiết của quá trình chuyển hóa acid uric, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, có thể dẫn đến nồng độ acid uric trong cơ thể tăng lên, dễ bị phát sinh những cơ đau hoặc cao huyết áp do gút. Trong trường hợp này thì nên dừng uống thuốc và xin tư vấn ý kiến của bác sĩ.
Theo Vân Hồng (Soha/Trí Thức Trẻ)