Theo VietNamNet dẫn lời Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Việt Tánh, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, cho biết bệnh nhi là bé trai L.H.D, 2 tuổi, ngụ Đồng Nai.
Bé D. có tiền căn động kinh cục bộ nửa người được theo dõi và điều trị tại bệnh viện từ 7 tháng tuổi đến nay. Gần đây, người nhà phát hiện bụng của bé có một khối đập bất thường. Các bác sĩ đã tiến hành thăm khám, chỉ định chụp cắt lớp ổ bụng có cản quang. Kết quả, phát hiện trẻ bị phình động mạch chủ bụng.
Bác sĩ Tánh cho biết động mạch chủ bụng là động mạch lớn nhất của cơ thể, giúp nuôi các cơ quan trong ổ bụng. Phình động mạch chủ bụng gây chèn ép các cơ quan lân cận. Đặc biệt nguy hiểm khi khối phình vỡ, gây sang chấn hoặc xuất huyết ồ ạt, bệnh nhân sẽ tử vong ngay lập tức.
Trước tình hình trên, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã phối hợp với Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tiến hành phẫu thuật ngay cho bệnh nhi. Ê-kíp phẫu thuật đã cắt bỏ túi phình ở động mạch chủ bụng và thay thế bằng một ống mạch máu nhân tạo. Nhờ can thiệp kịp thời và được chăm sóc tận tình, bé D. dần hồi phục và xuất viện.
Trao đổi với Dân Trí, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Việt Tánh chia sẻ, phình động mạch chủ bụng là khi có một vị trí lớn bất thường ở trên động mạch, gây chèn ép các cơ quan lân cận. Một điều rất nguy hiểm là khi khối phình bị vỡ, gây sang chấn hoặc xuất huyết ồ ạt, sẽ khiến nạn nhân tử vong ngay lập tức.
Phình động mạch chủ bụng thường gặp ở người lớn tuổi nhưng rất hiếm gặp ở trẻ em. Bác sĩ Tánh cho biết, thế giới mới chỉ ghi nhận khoảng 30 trường hợp mắc bệnh này là trẻ em. Còn tại Việt Nam, đây là trường hợp trẻ đầu tiên được phát hiện mắc bệnh trong khoảng 20 năm qua.
Đáng ngại, triệu chứng của bệnh không rõ ràng, phụ huynh chỉ nghi ngờ khi thấy khối đập bất thường, trẻ đau bụng mơ hồ. Trong tình huống khối phình bị vỡ, khả năng cứu sống trẻ sẽ rất thấp.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo người nhà cần sớm đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên khoa nhi khi thấy có dấu hiệu bất thường. Trẻ sẽ để được kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh hậu quả nghiêm trọng.
PN (SHTT)