Mới đây, các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc đã đồng loạt đưa tin về việc bé trai tử vong sau khi uống cốc sữa đậu nành do người mẹ tự nấu khiến dư luận xôn xao.
Một người phụ nữ họ Vương nghe nói rằng sữa đậu nành có dinh dưỡng khá cao nên bà quyết định đi mua đậu tương cùng cối xay đậu nành để về tự làm sữa đậu nành cho cả nhà cùng uống.
Vào buổi sáng định mệnh hôm ấy, con trai 4 tuổi phải đi học sớm nên chị liền đưa sữa đậu nành mình tự làm vừa mới đun sôi cho con trai uống. Thậm chí, chị còn chuẩn bị sẵn một bình sữa đậu nành để cậu bé mang tới trường dùng trong giờ giải lao.
Tuy nhiên, đáng buồn thay, cậu bé sau khi đến trường bắt đầu có các triệu chứng đau bụng, buồn nôn, và khó thở. Giáo viên nghĩ rằng đó chỉ là cậu bé có vấn đề về tiêu hóa, chỉ cần nghỉ ngơi tại phòng y tế trong trường là được, và không đi khám ngay.
Nhưng tình trạng thể chất của cậu bé ngày càng tệ hơn, bắt đầu nôn mửa và sốc ngay lập tức. Lúc này, cô giáo vội vàng đưa con trai chị Vương đi bác sĩ để cấp cứu nhưng không may đã quá muộn. Sau khi cấp cứu, cậu bé vẫn không qua khỏi.
Chị Vương nghe tin, thất thần chạy đến bệnh viện, ôm thi thể con trai mà gục xuống và khóc thảm thiết. Chị không thể tin được rằng mới lúc sáng còn đưa con đi học mà cậu bé đã đột ngột qua đời.
Sau khi tiến hành điều tra, thì thủ phạm gây ra cái chết thương tâm của cậu bé lại chính là bình sữa đậu nành chưa được người mẹ nấu chín đúng cách.
Đây là một bài học đắt giá dành cho tất cả những bà mẹ khi nấu ăn, nhất là cần chú ý hiện tượng “giả sôi” của sữa đậu nành.
Nguyên nhân gây ra cái chết thương tâm của cậu bé lại chính là sữa đậu nành chưa được người mẹ nấu chín đúng cách.
Trong sữa đậu nành có chứa một loại độc tố gọi là saponin. Khi chất này hòa tan vào nước, nó có tác dụng làm giảm sức căng bề mặt của dung dịch, tạo ra nhiều bọt, vì vậy trong công nghiệp sản xuất xà phòng người ta hay sử dụng loại chất này.
Nếu saponin được đun sôi ở nhiệt độ cao thì độc tính của nó sẽ bị biến mất, hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng.
Nhưng nếu chỉ đun sữa đậu nành đến nhiệt độ 80℃-90℃ thì lúc này nhiệt sẽ mở rộng saponin tạo ra rất nhiều bọt trên thành nồi, nếu như người nấu không để ý sẽ bị nhầm tưởng rằng sữa đậu nành đã chín và tắt bếp. Như vậy trong sữa đậu nành sẽ chứa rất nhiều độc tố saponin này.
Nếu trong cơ thể có chứa hàm lượng saponin quá cao sẽ trở thành tác nhân làm tan máu, có thể kích thích niêm mạc dạ dày, gây buồn nôn, nôn mửa, đầy bụng, chóng mặt và các triệu chứng khác.
Nó cùng có thể gây ra tình trạng mất nước nghiêm trọng và mất cân bằng điện giải, thậm chí nếu không được cứu chữa kịp thời sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu muốn tự chế biến sữa đậu nành tốt nhất nên lựa chọn máy xay đậu nành.
Nếu uống sữa đậu nành được làm từ cối đá thì trước tiên bạn đun nóng sữa đậu nành ở nhiệt độ cao, sau khi thấy sôi thực sự thì tiếp tục vặn nhỏ bếp đun thêm 5 phút nữa là có thể dùng.
Lưu ý không được bỏ qua khi cho trẻ uống sữa đậu nành
1. Khi nào trẻ có thể uống sữa đậu nành?
Trên 12 tháng là độ tuổi phù hợp nhất để bé sử dụng sữa đậu nành.
Ở độ tuổi nhỏ hơn, các chuyên gia khuyến nghị nên để cho bé được cung cấp dưỡng chất từ sữa mẹ. Bởi lúc này hệ tiêu hóa của bé còn quá non nớt, chưa thể tiêu hóa được toàn bộ những chất có trong sữa đậu nành. Ngoài ra, việc uống sữa đậu nành cũng làm giảm lượng sữa hấp thụ từ sữa mẹ.
2. Đun chín sữa đậu nành trước khi cho trẻ uống
Trong sữa đậu nành sống có chứa chất ức chế men trypsin, saponin và vi khuẩn bị nhiễm trong quá trình chế biến, do đó cần đun sôi kỹ sữa đậu nành trước khi cho trẻ uống để tránh gây ra các vấn đề xấu cho đường tiêu hóa của trẻ như buồn nôn đau bụng đi ngoài… thậm chí ngộ độc.
3. Không uống sữa đậu nành khi đói
Cho bé uống sữa đậu nành khi dạ dày trống rỗng sẽ làm cho các protein trong sữa bị biến đổi thành nhiệt lượng và được tiêu thụ trong cơ thể mà mất tác dụng dinh dưỡng.
Nên cho trẻ ăn một số loại thực phẩm giàu tinh bột trước khi uống sữa. Bởi, dưới tác động của tinh bột, protein hoàn toàn có thể phản ứng với dịch dạ dày và làm cho các chất dinh dưỡng được hấp thụ hoàn toàn.
4. Không uống quá nhiều sữa đậu nành
Các chuyên gia của trường Đại học Y Harvard khuyến cáo trẻ em chỉ nên uống 1-2 ly sữa đậu nành mỗi ngày. Nếu cho trẻ uống quá nhiều sẽ dễ dẫn đến đau bụng, đi ngoài do các chất dinh dưỡng không được hấp thụ hết, ảnh hưởng không tốt đến tiêu hóa.
5. Sữa đậu nành không thể thay thế hoàn toàn cho sữa bò hay sữa mẹ
Uống sữa đậu nành thay thế hoàn toàn sữa bò sẽ dễ dẫn đến tình trạng thiếu canxi, một chất quan trọng để bé phát triển xương, răng, cơ và hệ thần kinh trung ương.
Ngoài ra, hàm lượng protein, vitamin A, folate và kẽm trong sữa đậu nành cũng thấp hơn so với sữa bò, đặc biệt không chứa vitamin B12.
Do đó, cha mẹ nên cho bé sử dụng thêm các loại sữa trên hoặc bổ sung những chất dinh dưỡng mà sữa đậu nành thiếu hụt qua các loại thực phẩm khác như rau xanh và trái cây.
PN (Nguoiduatin.vn)