Bé Trai T.T.P. (4 tháng tuổi, ngụ Trà Vinh) được đưa đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM vì có hiện tượng bụng càng ngày càng to. Ngay lập tức, bé được cho nhập viện để chụp phim CT-scan ổ bụng qua đó phát hiện một khối gồm mô đặc, mô mỡ, mô xương kèm với hộp sọ, cột sống và xương sườn chiếm hết một nửa bụng bên phải của bé. Bệnh nhi được lên lịch mổ ngay sau đó.
Bác sĩ Nguyễn Trần Việt Tánh, khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2, chia sẻ né trai chỉ mới 4 tháng nhưng khối u thai này đã chiếm hết hơn một nửa bụng phải của bé, đường kính khoảng 12 cm và nặng 1,5 kg.
Khối u này nằm ở vị trí sau phúc mạc khá gần và dính vào các cấu trúc quan trọng đặc biệt là mạch của thận phải và động mạch chậu, ngoài ra còn chèn ép vào niệu quản khiến thận phải bị ứ nước. Tuy nhiên, cuộc mổ diễn ra thuận lợi chỉ mất khoảng hơn một tiếng, bệnh nhi không bị mất máu và không cần phải nằm hồi sức theo dõi”, bác sĩ Tánh cho biết thêm.
Theo ThS.BS Vũ Trường Nhân, Phó khoa Ngoại tổng hợp chịu chuyên trách nhiệm chuyên môn chính về chuyên khoa phẫu thuật lồng ngực và ung bướu của bệnh viện, cho biết bé P. mắc một tình trạng kỳ lạ và hiếm gặp được gọi là “thai trong thai” (Fetus in fetus), nghĩa là có một khối mô có cấu trúc giống bào thai (chân tay, bìu, xương sọ, thận, đốt sống, da, tóc...) phát triển bên trong cơ thể thai nhi, xảy ra khoảng 1/500.000 trẻ sinh ra sống.
Có hai giả thuyết về sự phát triển thai trong thai.
- Giả thuyết thứ nhất, thai trong thai có thể là khối bướu quái trưởng thành biệt hóa cao phân biệt bướu quái thông thường dựa vào sự hiện diện của đốt sống.
- Giả thuyết thứ hai, thai trong thai có thể là một thai ký sinh trong cơ thể anh/chị/em song sinh. Ở giai đoạn rất sớm của song thai đồng hợp tử, hai thai này có cùng một bánh nhau, một thai cuộn tròn lại và bao quanh thai kia. Thai được bao phủ trở thành thai ký sinh, cuộc sống của nó phụ thuộc hoàn toàn vào người anh/chị/em song sinh của nó được gọi là ký chủ.
Bác sĩ Nhân khuyến cáo thêm để phòng tránh các dị dạng thai nhi nói chung, trong thời kỳ thai nghén, đặc biệt là ba tháng đầu, các bà mẹ nên cẩn trọng, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại, tia phóng xạ và chỉ dùng thuốc được bác sĩ kê đơn cho sản phụ, không tự ý uống thuốc dù là thuốc bổ, tân dược hay thảo dược.
Theo Bích Huệ (Tri Thức Trực Tuyến)